Chỉ quan tâm tới “đất vàng”?
Giai đoạn 2011-2021, cả nước đã cổ phần hóa được 692 DN thoái vốn, đạt 38812 tỷ đồng, thu về 192.885 tỷ đồng, gấp 5 lần so với giá trị sổ sách. Nếu năm 2011 còn gần 1.400 DNNN thì đến 2020 chỉ còn 450 DNNN, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt. Đây là con số được công bố tại Hội thảo: Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa DN, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn Nhà nước tại DN” ngày 17/5,
Cổ phần hóa đã tạo cơ hội kinh doanh cho các thành phần kinh tế khác, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị DNNN và tác động tích cực tới thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng tiến độ thực hiện cổ phần hóa DNNN còn chậm, chưa đảm bảo kế hoạch đề ra. Theo số liệu của Bộ Tài chính, giai đoạn 2016-2020 đã cổ phần hóa được 180 DN, vượt chỉ tiêu, nhưng chỉ có 39 DN thuộc kế hoạch được cổ phần hóa, còn 89 DN chưa hoàn thành cổ phần hóa. Giai đoạn 2016-2020 dự kiến sẽ thoái vốn tại 384 DN, với tổng giá trị theo sổ sách Nhà nước là 60.000 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2020 chỉ thoái vốn được tại 106 DN, với tổng giá trị 6.493 tỷ đồng, đạt 11%.
Không những thế, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại các DN sau cổ phần hóa vẫn cao. Tại nhiều DN, cổ đông Nhà nước vẫn nắm quyền quyết định nên thực chất không có đổi mới. Hoạt động kinh doanh sau cổ phần hóa có chiều hướng đi xuống, như: Tổng Công ty CP Lương thực Miền Nam, Tổng công ty CP Xây dựng Sông Hồng.
Đáng quan tâm là một số DNNN sau khi cổ phần hóa đã chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh để khai thác lợi thế từ đất đai, không tạo việc làm cho người lao động. Nhà đầu tư chiến lược tham gia mua cổ phần của DNNN cũng chỉ nhăm nhăm vào bất động sản và những khu đất vàng. Khi đã nắm được DN thì tìm cách chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, để kiếm lời không tập trung vào đầu tư phát triển DN theo hoạt động sản xuất kinh doanh chính.
Việc công khai minh bạch tình hình tài chính, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Còn DNNN và cá nhân lãnh đạo có hành động tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình hoạt động.
Tính đến hết năm 2020, DNNN chỉ còn chiếm khoảng 0,08% tổng số DN đang hoạt động, nhưng vẫn nắm giữ nhiều nguồn lực quan trọng của nền kinh tế, như: chiếm 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu của toàn bộ các DN trên thị trường; chiếm 25,78% tổng vốn sản xuất kinh doanh, 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của các DN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá tiến độ cổ phần hóa DNNN diễn ra chậm. Năm 2021 theo kế hoạch thu về cho ngân sách khoảng 40.000 tỷ từ cổ phần hóa, song kết quả thực tế chưa được 2.000 tỷ đồng. Dự báo năm 2022 cổ phần hóa vẫn tiếp tục khó khăn do không thực hiện được.
“Giết chết” sản xuất?
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã chỉ ra một số tồn tại trong việc cổ phần hóa DNNN. Đó là xác định giá trị của DN chưa chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại sau kiểm toán. Từ đó, gây thất thoát, thậm chí nhiều vụ việc bị xử lý hình sự. Chẳng hạn, qua kiểm toán 45 DNNN đã cổ phần, Kiểm toán Nhà nước đánh giá giá trị các DN tăng lên bình quân 2,8 lần. Điều này cho thấy việc xác định giá trị DN còn nhiều tồn tại, rủi ro, thiếu chính xác, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, Bộ trưởng cho biết, theo quy định, nếu thuê đất trả tiền hàng năm thì không tính vào giá trị của DN, còn thuê đất trả tiền một lần lại được tính vào giá trị DN. Khi tiền thuê đất trả một lần được xác định không sát với giá thị trường thì đây chính là lỗ hổng, gây thất thoát. Chưa nói đến chuyện sau khi nộp tiền thuê đất một lần, DN đã cổ phần hóa sẽ xin chuyển mục đích sử dụng như xây dựng khu đô thị, dẫn đến “giết chết” hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng nêu ra sự thất thoát tài sản công là đất đai trong cổ phần hóa DNNN, không chỉ là định giá thấp mà còn thể hiện qua “tư nhân hóa ngầm” đất công.
Chẳng hạn, thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ góp vốn sang chuyển nhượng luôn khu đất cho tư nhân với quy trình tắt, không công khai và không qua đấu giá. Những hành vi này không chỉ làm tổn hại thất thoát nguồn lực đất đai mà còn làm méo mó môi trường kinh doanh và tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
Bộ trưởng Phớc cho rằng cần xem xét lại việc có nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp Nhà nước khi tiến hành cổ phần hay không? Tách riêng vấn đề đất đai ra khi cổ phần hóa và các DN sẽ thực hiện thuê đất trả tiền hàng năm, không được chuyển mục đích sử dụng đất. Giá cho thuê sẽ sát với giá thị trường, buộc các DN phải tính toán kỹ. Nếu DN không có nhu cầu sử dụng đất thì trả lại Nhà nước để đấu giá chuyển mục đích sử dụng, tránh bị thất thoát tài sản.
Đại diện các DNNN tham dự hội thảo thừa nhận, việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, khi cổ phần hóa rất phức tạp, là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ. Giá trị đất không xác định được chính xác, cũng gây rủi ro cho hoạt động của DN sau này khi các cơ quan Nhà nước vào thanh, kiểm tra. Vì vậy, không nên đưa giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN khi tiến hành cổ phần. Như vậy sẽ đơn giản hơn, giúp đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và giảm thiểu những rủi ro cho các DN sau này.
Theo Trần Thủy (VietNamNet)