Nhiều khách hàng dùng điện trên cả nước bất ngờ với hóa đơn tháng vừa qua tăng bất thường, có gia đình tăng gấp đôi, gấp 3. EVN thừa nhận số tiền điện của kỳ hóa đơn tháng 4/2019 của các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước ít nhất trên 35%.
Tập đoàn này đưa ra giải thích gồm nhiều nguyên nhân như nhu cầu sử dụng điện tăng cao, giá điện được điều chỉnh… khiến tổng tiền phải trả lớn hơn bình thường.
Tuy nhiên, một số khách hàng cho rằng những lý do này chưa thuyết phục. Họ chỉ ra thang bậc tính giá lỗi thời với nhiều bậc quá nhỏ là một trong các nguyên nhân. Sự bất hợp lý của thang bậc tính giá điện cũng được các chuyên gia chỉ ra là nguyên nhân dẫn theo tăng tiền điện đột biến.
Cách tính giá 6 bậc đã lỗi thời?
Năm 2013, sau khi Luật Điện lực được ban hành, EVN áp dụng biểu giá điện 6 bậc với các mức tiêu thụ khác nhau: 0-50 kWh, 51-100 kWh, 101-200 kWh; 201-300 kWh, 301-400 kWh và từ 401 kWh trở lên.
Bộ Công Thương cho rằng biểu giá sinh hoạt điện sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo. Với người nghèo, mức sử dụng điện ít dưới 100 kWh, được hưởng mức giá ưu đãi. Thang bậc điện cũng là công cụ để giúp người dân tiết kiệm trong sử dụng, nếu dùng càng nhiều phải trả giá càng cao.
Tuy nhiên, người Việt Nam ngày càng có sự thay đổi về nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt theo hướng tăng lên. Trong khi thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam qua 6 năm đã tăng thêm hơn 30%, cách tính giá bậc thang giữ nguyên từ 2013 đang bộc lộ nhược điểm.
Năm 2014, cả nước có 21 triệu hộ dùng điện. Số lượng hộ dùng dưới 50 kWh/tháng là 21%, tương ứng 4,41 triệu hộ. Đến năm 2017, số lượng hộ dùng dưới 50 kWh giảm xuống 4,1 triệu (chiếm 17%). Chỉ một năm sau đó, số hộ dùng dưới 50 kWh đã giảm còn 4,03 triệu, chiếm tỷ lệ 15,5%.
Tương tự, số khách hàng trên 400 kWh vào năm 2014 là 1 triệu hộ (chiếm 4,7%), nhưng đến năm 2018 đã lên con số 1,51 triệu hộ.
Năm 2017, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết 78% số hộ trong cả nước dùng dưới 200 kWh/tháng, tức khoảng 22,2 triệu. Tuy nhiên, đến năm 2018, thống kê cho thấy chỉ còn 19,8 triệu hộ dùng dưới 200 kWh/tháng, giảm 2,4 triệu hộ chỉ sau khoảng 1 năm. Trong khi đó số lượng dùng trên 200 kWh đã là 8,1 triệu hộ.
Cách tính 6 bậc của EVN hiện tại được cho là có lợi cho những hộ gia đình dùng dưới 100 kWh bởi đơn giá thấp hơn bình quân chung.
Ví dụ, giá điện bình quân được điều chỉnh vào ngày 20/3 vừa qua, những hộ dùng 0-50 KWh phải trả 1.678 đồng, dùng 51-100 kWh phải trả 1.734 đồng, thấp hơn giá điện bình quân là 1.864,44 đồng.
Người dùng ở 4 bậc thang còn lại (trên 100 kWh) sẽ chịu tác động mạnh hơn của tăng giá. Điển hình một hộ dùng 200 kWh sẽ phải trả 372.000 đồng, tính bình quân là 1.860 đồng/kWh; dùng 300 kWh phải trả 625.600, bình quân 2.085 đồng/kWh; dùng 400 kWh phải trả 909.000 đồng, bình quân 2.273 đồng/kWh.
Hộ gia đình dùng 400 kWh/tháng sẽ phải trả tiền cao hơn hộ dùng 50 kWh là 595 đồng/kWh. Khách hàng dùng 300 kWh phải trả cao hơn 407 đồng/kWh.
Theo tính toán của EVN, số lượng hộ gia đình dùng 101-200 kWh đang chiếm tỷ lệ cao nhất cả nước với 10,06 triệu (chiếm 39%).
"Cần thay đổi lại các thang bậc tính giá điện"
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết năm 2018, bình quân một người Việt Nam dùng 2.029 kWh/năm, bằng 60% so với bình quân thế giới, rất thấp so với các nước phát triển.
Con số bình quân không dựa trên lượng điện sinh hoạt tiêu thụ theo đầu người mà lấy tổng sản lượng điện quốc gia chia ra. Nghĩa là số bình quân bao gồm cả điện cho sản xuất, phục vụ nhu cầu trực tiếp và gián tiếp của người dân…
Theo báo cáo của EVN, nhu cầu điện của Việt Nam tăng đều đặn khoảng 10%/năm. Bộ Công Thương tính toán đến năm 2030, sản lượng điện bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng lên 6.000 kWh/năm, gấp 3 lần con số của 2018.
Như vậy, với kinh tế phát triển, thu nhập tăng, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam sẽ ngày càng thay đổi qua các năm. Trong khi đó cách tính giá theo khung 6 bậc của EVN vẫn giữ nguyên từ nhiều năm nay.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng khi nhu cầu về điện tăng lên, khách hàng phải chấp nhận trả giá đắt theo cách tính hiện tại. Khi thu nhập của người dân càng tăng tăng, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện nhiều lên, thì giá cả lại càng đắt đỏ.
Vị chuyên gia đồng ý với cách tính bậc thang lũy tiến nhưng cần phải tính toán lại khoảng cách mỗi bậc là bao nhiêu so với giá bình quân.
Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả đề xuất nếu bậc nào dùng nhiều nhất thì không nên tính giá quá cao so với mức bán lẻ bình quân.
“Hiện nay người tiêu dùng nhiều nhất 201-300 kWh thì giá bán lẻ ở bậc này chỉ nên cao hơn giá bán lẻ bình quân có thể 1,1-1,2 lần. Hiện tại giá bán này cao hơn bình quân 1,36 lần là quá cao”, ông nói.
Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hiệp hội thẩm định giá Việt Nam, cho rằng người dân bây giờ ngày càng có nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn.
Các gia đình dùng 200-300 kWh nên cần phải nghiên cứu thay đổi lại các thang bậc tính giá điện sao cho hợp lý.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)