Ngày 29/4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản trả lời chính thức về một số nguyên nhân làm hóa đơn tiền điện tăng, cũng như khoản tiền 42.000 tỷ đồng đang gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng.
Về tiền điện, EVN cho rằng nhu cầu dùng các thiết bị điện giải nhiệt, hút ẩm, đặc biệt là máy lạnh trong thời gian qua tăng cao. Theo đó, tại miền Nam và Tây Nguyên bước vào giai đoạn nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 độ C.
Tại miền Bắc cũng chuyển mùa, thời tiết nồm với độ ẩm cao và có ngày đã bắt đầu nắng nóng trên 30 độ C.
EVN cho biết ngày cao nhất, TP.HCM tiêu thụ hết 90 triệu kWh, cao hơn 10% so với đỉnh năm 2018 và đạt kỷ lục từ trước đến nay. Con số này cũng cao gấp 2,5 lần so với ngày tiêu thụ thấp nhất là 6/2 với 35,5 triệu kWh.
Nhiều khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM tiêu thụ điện gấp đôi
Theo thống kê, tiêu thụ điện tại Hà Nội và TP.HCM giai đoạn cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 tăng tương ứng từ 47 triệu kWh/ngày lên gần 58 triệu kWh/ngày. Nguyên nhân tăng tiền điện cũng chịu sự tác động của việc điều chỉnh giá bán điện mà Bộ Công Thương công bố vào ngày 20/3.
Theo các bậc giá điện, người tiêu dùng càng dùng nhiều điện thì số tiền trả càng cao hơn. EVN cho biết tính đến ngày 26/4, trên 32% khách hàng tại Hà Nội dùng nhiều điện hơn tháng trước là 1,5 lần. Tỷ lệ này tại TP.HCM là 22%.
Cụ thể tại Hà Nội trong tháng 4, có 196.000 khách hàng đã tiêu thụ điện gấp 2 lần trở lên tháng trước đó (chiếm tỷ lệ 8,4%). Trong khi đó, 539.000 hộ khác tiêu thụ điện gấp từ 1,5 đến 2 lần (chiếm 24%). Từ đó dẫn đến 263.000 hộ chịu tiền điện tăng gấp đôi trở lên. Khoảng 788.000 khách hàng tiền điện tăng 1,5-2 lần.
Tại TP.HCM trong tháng 4, 177.000 khách hàng đã dùng điện cao hơn 2 lần trở lên so với tháng 3 (chiếm 7,8%). Ngoài ra có 324.000 khách hàng dùng điện tăng từ 1,5 đến 2 lần. Từ đó dẫn đến 241.000 khách hàng có tiền điện tăng trên 2 lần. Khoảng 599.000 hộ tiền điện tăng 1,5-2 lần.
EVN cũng đưa ra một lý do khác là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày). Số ngày sử dụng điện nhiều hơn nên lượng điện năng tiêu thụ cũng tăng lên. Yếu tố này kết hợp với tăng giá sẽ làm tổng tiền tăng lên.
EVN cũng cho biết đã chỉ đạo các tổng công ty điện lực thực hiện nhiều giải pháp để tăng cường công khai minh bạch việc ghi chỉ số. Tập đoàn cũng yêu cầu thông báo và phúc tra 100% cho khách hàng có sản lượng tăng đột biến từ 1,5 lần so với tháng trước liền kề.
“Tất cả các sai sót nếu có liên quan đến công tơ và ghi chỉ số công tơ đều được tiếp nhận, giải quyết và tiến hành các thủ tục truy thu hoặc thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định”, EVN nhấn mạnh.
EVN giải thích về 42.000 tỷ gửi tại ngân hàng
EVN cũng giải thích về khoản hơn 42.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp này gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Theo đó số dư tiền này được tổng hợp từ tất cả báo cáo tài chính của các đơn vị thành viên, bao gồm các đơn vị sản xuất, truyền tải, phân phối và dịch vụ phụ trợ.
Doanh nghiệp này cho rằng số tiền trên quá nhỏ so với số dư nợ ngắn hạn tại cùng thời điểm trả của EVN (hơn 106.000 tỷ đồng), do đó chưa đủ để sử dụng trả nợ ngay các nhà cung cấp nhiên liệu (khí, than), bán điện…(55.000 tỷ đồng) và trả nợ ngân hàng đến hạn (22.000 tỷ đồng).
“Do nhu cầu vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh quá lớn nên với số dư tiền gửi trên mới giúp cho EVN và các đơn vị thành viên hoàn thành nhiệm vụ được giao”, EVN nêu trong thông cáo.
EVN giải thích cơ cấu tổ chức bộ máy hiện tại của EVN có hàng chục đơn vị cấp 2 và hàng trăm đơn vị cấp 3, cấp 4 hoạt động trên các lĩnh vực đầu tư và sản xuất kinh doanh điện năng. Để đảm bảo hoàn thành được nhiệm vụ cung cấp đủ điện, mỗi đơn vị phải duy trì một số dư tiền gửi phục vụ cho công việc thường xuyên và xử lý đột xuất.
Đối với các công ty nhiệt điện cần có một số lượng tiền lớn để mở L/C (thư tín dụng) thanh toán nhiên liệu nhập khẩu hoặc cho các đơn vị cung cấp trong nước. Công ty mẹ EVN cần phải có một số tiền lớn đủ để thanh toán tiền mua điện hàng tháng cho các đơn vị bán điện.
“Doanh thu tiền điện thường tập trung vào cuối tháng trong khi nhu cầu thanh toán tiền nhiên liệu và điện mua ngoài thường tập trung vào đầu tháng. Vì thế số dư tiền gửi của EVN vào cuối tháng (thời điểm lập báo cáo quyết toán) thường cao hơn so với các ngày còn lại”, EVN giải thích.
Trong lĩnh vực đầu tư, EVN cho biết thủ tục hoàn tất các điều kiện để giải ngân của các hợp đồng tín dụng thường kéo dài nên ngoài việc đảm bảo vốn đối ứng theo kế hoạch, các đơn vị thành viên phải dự phòng thêm vốn để thanh toán cho nhà thầu trong trường hợp chậm giải ngân nhằm đảm bảo tiến độ đã đề ra.
“Hiện tại EVN có số dư nợ vay rất lớn vì thế nhu cầu trả nợ trong năm tương đối cao đòi hỏi EVN phải duy trì số dư đủ để trả nợ khi đến hạn để đảm bảo tín nhiệm tín dụng cho các khoản vay trong tương lai”, EVN giải thích thêm lý do.
Trước đó, nhiều khách hàng trên cả nước thắc mắc về số tiền điện phải trả trong tháng 4 cao bất thường. Nhiều người phải trả số tiền cao từ 30-50%, cá biệt có hộ tăng gấp đôi so với tháng trước đó. Nhiều người hoài nghi mức tăng giá điện 8,36%, nhưng lại khiến tiền điện tăng cao nhiều hơn số đó.
Trong khi đó báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, số dư tiền gửi ngân hàng của EVN khi đó là 42.796 tỷ đồng. Số tiền này cuối 2017 là 32.363 tỷ đồng, năm 2015 và 2016 là khoảng 8.000-9.000 tỷ đồng.
Khoản tiền này đã tăng mạnh theo thời gian khiến nhiều người băn khoăn về khả năng quản trị dòng tiền của EVN. Nếu tận dụng nguồn lực này, sẽ làm tăng thu cho tập đoàn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)