Thương vụ 400 triệu USD, dòng vốn Hàn đổ mạnh vào Việt Nam

06/04/2021 15:28:44

Các tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc... tiếp tục đổ những khoản tiền lớn vào doanh nghiệp Việt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là hấp dẫn so với thế giới và triển vọng kinh tế tốt.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vừa công bố thông tin tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc SK Group mua mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị tiền mặt là 410 triệu USD.

Như vậy, với giao dịch này, VinCommerce được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu.

Nhiều năm qua, ông lớn Hàn Quốc SK Group đổ tỷ USD vào Việt Nam ở nhiều lĩnh vực, không chỉ ngân hàng tài chính, bất động sản mà cả các ngành quan trọng khác như tiêu dùng nhanh, dược phẩm... Sự triển vọng và ổn định đang hút dòng vốn Đông Bắc Á.

Hai thương vụ nổi bật là thương vụ SK chi 1 tỷ USD 6% cổ phần Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và vụ chi 470 triệu USD mua 9,4% cổ phần của Masan Group của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Sau đó, SK Group tiếp tục mua hàng chục phần trăm cổ phần hãng Dược phẩm Imexpharm.

Không chỉ SK Group, nhiều tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam từ lâu với các dự án đầu tư trực tiếp và cả đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong nhiều năm qua.

Thương vụ 400 triệu USD, dòng vốn Hàn đổ mạnh vào Việt Nam
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan.

Hanwha - tập đoàn kinh tế lớn thứ 7 tại Hàn Quốc - hồi cuối 2019 cũng có một bước mở rộng tại thị trường Việt Nam. Sau lĩnh vực bảo hiểm và đầu tư, ông lớn Hàn Quốc này tiếp tục nhảy vào lĩnh vực chứng khoán với sự xuất hiện của Pinetree Securities.

Quỹ đầu tư STIC Investments của Hàn Quốc đã rót vốn vào hàng loạt doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Một số quỹ và tập đoàn Hàn cũng được biết đến với vốn đổ vào Việt Nam như quỹ KIM, JB Financial Group, KB Financial Group Inc, Mirae Asset,...

Giao dịch giữa SK Group và Masan vừa công bố là một tín hiệu cho thấy, các tập đoàn nước ngoài quan tâm tới một lĩnh vực mới đầy triển vọng của Việt Nam. Đó là mảng bán lẻ và nhu yếu phẩm hiện đại tại Việt Nam

Các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng bùng nổ của lĩnh vực bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại tại Việt Nam. Kênh thương mại hiện đại (MT) dự kiến sẽ chiếm 50% toàn ngành bán lẻ thay vì chỉ ở mức 8% như hiện nay, đưa Việt Nam trở thành thị trường MT phát triển nhanh nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thập kỷ tới.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi tiếp quản mảng bán lẻ từ Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Masan của ông Nguyễn Đăng Quang đã giúp VCM đạt EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) hòa vốn trong quý IV/2020 và dương trong quý I/2021.

Ông Woncheol Park, Giám đốc Đại diện của SK South East Asia Investment - thuộc SK Group cho biết, ông tin tưởng vào tiềm năng to lớn của ngành bán lẻ tích hợp online - offline (O2O) tại Việt Nam. Masan Group đã cải thiện vận hành và lợi nhuận chuỗi bán lẻ này trong thời gian ngắn ngủi. Đây là tiền đề giúp VinCommerce sẽ trở thành nhà bán lẻ tích hợp O2O hàng đầu Việt Nam trong tương lai. Thỏa thuận đầu tư của SK vào VinCommerce là một phần trong chiến lược đầu tư của SK Group vào các lĩnh vực đang tăng trưởng nhanh của Việt Nam. 

Theo kế hoạch được công bố, trong năm 2021, VCM tiếp tục củng cố nền tảng bán lẻ nhu yếu phẩm hiện đại và mang lại tăng trưởng lợi nhuận bền vững: cải thiện biên lợi nhuận thương mại lên mức 2% thông qua ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp chiến lược và tìm nguồn hàng tươi sống trực tiếp, triển khai mô hình cửa hàng kiểu mẫu trên quy mô toàn quốc trước quý II/2021 và nâng cấp mô hình chuỗi cung ứng châm hàng tự động như đã chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Masan vào ngày 1/4/2021.  

Theo V. Hà (VietNamNet)

Nổi bật