Nguồn cơn nào khiến vốn ngoại vào chứng khoán hạ nhiệt?

06/03/2021 08:57:44

Báo cáo chiến lược thị trường của Chứng khoán SSI mới đây cho biết tháng 2 vừa qua là tháng thứ 5 liên tiếp khối ngoại tiếp tục bán ròng. 

Động thái này tập trung chính ở các mã VNM (-690 tỷ đồng), CTG (-542 tỷ đồng), SSI (-322 tỷ đồng), NVL (-322 tỷ đồng). Dù vậy, chiều mua ròng cũng ghi nhận nhiều mã với giá trị đáng kể như chứng chỉ quỹ FUEVFVND (+1.276 tỷ đồng), VHM (+618 tỷ đồng), MSN (+466 tỷ đồng), KBC (+375 tỷ đồng) và VIC (+352 tỷ đồng). 

Nguồn cơn nào khiến vốn ngoại vào chứng khoán hạ nhiệt?

Dù trên toàn cầu, cổ phiếu đang hút tiền nhất trong các kênh đầu tư truyền thống nhưng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, dòng vốn chủ động vẫn tiếp tục bị rút ròng gần 20 triệu USD trong tháng 2, ghi nhận 6 tháng rút ròng liên tiếp.

Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 1.394 tỷ đồng trong tháng 2 và lũy kế bán ròng 3.106 tỷ trong 2 tháng đầu năm. 

Tính chung cả tháng 2, cổ phiếu Việt Nam vẫn có khoảng 12,3 triệu USD vốn vào nhờ dòng vốn vào ETF (+32 triệu USD). Tuy vẫn là tháng thứ 4 liên tiếp có vốn vào nhưng quy mô đã giảm mạnh so với mức rất cao của tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Đáng chú ý là xu hướng rút ròng khá mạnh trong nửa cuối tháng 2 ở cả các quỹ chủ động và ETF. 

Đối với các quỹ ETF, quỹ VFM VN30 bị rút ròng 673 tỷ đồng trong tháng 2, phần lớn do nhà đầu tư Hàn Quốc rút tiền khỏi quỹ KIM Kindex Vietnam VN30 ETF và do đó gián tiếp bị rút khỏi VFM VN 30. 

Ngược lại, các quỹ ETF còn lại đều duy trì dòng vốn tích cực, đáng chú ý VFM Diamond ETF +1.270 tỷ đồng, VanEck Vectors Vietnam +143 tỷ đồng, FTSE Vietnam +129 tỷ đồng. Xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì trong những ngày đầu tháng 3. Trên thực tế, khối ngoại chưa có phiên mua ròng nào trên cả 2 sàn từ đầu tháng 3 đến nay.

Nguồn cơn nào khiến vốn ngoại vào chứng khoán hạ nhiệt? - 1

Dòng vốn tháng 2 cũng rút mạnh khỏi các thị trường Malaysia, Philippines, Thái Lan và cũng quay đầu rút ròng mạnh trong nửa cuối tháng 2 ở Việt Nam cho thấy, diễn biến tích cực của dòng vốn vào cổ phiếu các thị trường phát triển và thị trường mới nổi lớn lại tạo thành sức ép với các thị trường mới nổi nhỏ và thị trường cận biên. 

SSI đánh giá, hiện tại, xu hướng vốn dịch chuyển về các thị trường phát triển đang khá mạnh trước sức hút từ câu chuyện phục hồi kinh tế của Mỹ nên có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Theo Kim Phong (VnEconomy.vn)

Nổi bật