Hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) xuất hiện hiện tượng nghẽn lệnh lần đầu vào nửa cuối tháng 12/2020. Tình trạng kéo dài suốt nhiều tháng nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu, buộc nhà đầu tư trong lẫn ngoài nước "sống chung với lũ".
Chia sẻ với VnExpress mới đây, ông Thomas Hugger – Tổng giám đốc quỹ đầu tư Asia Frontier Investments cho rằng, vần đề này rất đáng ngại. HoSE là nhà cung cấp dịch vụ nên phải có nghĩa vụ đảm bảo giao dịch thông suốt 100%, bất chấp khối lượng tăng đột biến. Tuy nhiên, cơ quan quản lý thị trường đã không làm tốt việc này dù đủ thời gian lẫn ngân sách để nâng cấp hệ thống thích ứng với sự tăng trưởng nhu cầu đầu tư vào chứng khoán.
Đồng quan điểm, ông Petri Deryng - nhà sáng lập và điều hành quỹ PYN Elite Fund (Phần Lan) đánh giá việc chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này là bước lùi nghiêm trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này càng nhức nhối trong bối cảnh nhà đầu tư đang từng ngày mong đợi giao dịch T0 và các giải pháp nâng giới hạn sở hữu nước ngoài.
Dù vậy, chuyên gia này cho rằng các nhà đầu tư vào thị trường cận biên và mới nổi sẽ thông cảm với HoSE vì họ hiểu chứng khoán Việt Nam còn rất non trẻ. Sự cố cũng không ảnh hưởng đến chiến lược phân bổ tài sản của họ vào đây.
"HoSE ra đời năm 2.000, còn HNX sau đó 5 năm nên tuổi đời chỉ như một cậu bé mới lớn hoặc sinh viên đại học. Nhà đầu tư cần kiên nhẫn và chấp nhận những hành vi không phải lúc nào cũng hợp lý của một cậu bé", ông nói.
Người đứng đầu Asia Frontier Investments cũng đồng tình các quỹ ngoại thường đầu tư dài hạn và không bị xao động bởi những vấn đề có thể giải quyết trong ngắn hạn. Ông khẳng định không có ý định rút vốn khỏi thị trường, thay vào đó, sẽ tiếp tục mua thêm nhiều cổ phiếu bị định giá thấp khi VN-Index giảm điểm.
Đối với các phương án HoSE đề xuất để giảm tải cho hệ thống, ông đánh giá việc chuyển một số cổ phiếu từ sàn TP HCM sang Hà Nội ít tác động bất lợi cho nhà đầu tư nhất bởi "niêm yết trên sàn nào cũng là một công ty". Tuy nhiên, ông đề xuất cơ quan quản lý thị trường nên thuê công ty nước ngoài chuyên về công nghệ thông tin để tư vấn, giải quyết sớm vấn đề.
Trong khi đó, ông Petri tin tưởng HoSE có thể hợp tác với Tập đoàn FPT, đơn vị xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán cho HNX và UPCoM, để xử lý nghẽn lệnh. Ông cho rằng nếu điều này diễn ra cách đây 3 tháng thì sự cố đã là câu chuyện của quá khứ.
Đại diện một số quỹ đầu tư nước ngoài đều nói rằng không rút vốn khỏi thị trường chứng khoán bởi tiềm năng trung và dài hạn vẫn khả quan.
Tuy nhiên, thực tế giao dịch của khối ngoại gần đây đang thể hiện điều nguợc lại. Từ đầu năm đến ngày 12/3, khối ngoại mua vào trên 69.168 tỷ đồng và bán ra 78.257 tỷ đồng, tương ứng giá trị bán ròng hơn 9.000 tỷ đồng. Nếu tính riêng từ sau Tết Nguyên đán, khối ngoại chỉ mua ròng một phiên để sau đó kéo dài mạch xả hàng 16 phiên liên tiếp. Giá trị bán ròng trong giai đoạn này lên đến 7.800 tỷ đồng. Áp lực xả hàng tập trung chủ yếu ở những cổ phiếu vốn hoá lớn như VNM, POW, CTG, VIC, HPG.
Theo một số chuyên gia trong nước, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng không ngừng nghỉ vì họ rút tiền khỏi các thị trường mới nổi để đưa về Mỹ do kỳ vọng lợi suất trái phiếu chính phủ tại đây còn tăng tiếp. Tuy nhiên, diễn biến này chỉ mang tính ngắn hạn và dòng tiền sẽ sớm quay trở lại bởi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết rất tốt sau một năm chật vật vì Covid-19.
Theo Phương Đông (VnExpress.net)