Thuế buộc xuất hóa đơn ngay, Shopee tà tà 'treo' 1 tuần, doanh nghiệp bế tắc

23/09/2023 10:00:16

Cơ quan thuế TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp phải xuất hoá đơn đúng thời điểm hàng hoá được giao cho người mua. Tuy nhiên, Shopee chỉ tính đơn hàng thành công sau 7 ngày giao hàng mà không có khiếu nại, đổi trả. Doanh nghiệp bế tắc.

Chiều 22/9, Sở Công Thương TP.HCM; Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư thành phố (ITPC) tổ chức "Hội nghị đối thoại giữa doanh nghiệp lĩnh vực thương mại điện tử và chính quyền TP.HCM".

Tại sự kiện, vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm chính là sự minh bạch trọng hoạt động của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam.

Lệ thuộc 'luật chơi' của TikTok, Shopee

Bà Lê Thị Phụng Diễm, Công ty TNHH MTV Trái Dừa cho biết, đơn vị kinh doanh ngành hàng gia dụng trên sàn TMĐT Shopee. 

Từ đầu năm đến nay, Shopee đã 2 lần tăng phí. Cụ thể, lần 1 tăng phí thanh toán từ 2,5% lên 3%, áp dụng từ 2/1. Lần 2, tăng phí từ 3% lên 4%, áp dụng từ 1/9. 

Như vậy, nếu cộng với phí cố định 3,5%; mua thêm các gói freeship; phí quảng cáo đủ để cửa hàng có thể bán sản phẩm tương đối ổn định trên sàn thì tổng chi phí một nhà bán hàng đang phải trả dao động khoảng 22-23% doanh thu/đơn hàng. Đây là tỷ lệ rất cao trong giao dịch và hoàn toàn phụ thuộc vào luật chơi của Shopee. Sàn TMĐT này thậm chí còn ẩn luôn nút khiếu nại của nhà bán hàng, nên có vấn đề gì cũng không thể phản ánh được.

Bà Diễm thắc mắc, hiện tại, cơ quan quản lý Nhà nước đã có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát việc ban hành mức phí của các sàn TMĐT như Shopee hay chưa ? 

Tương tự, đại diện Công ty Sản xuất thương mại Tuấn Phương Nam cho hay, TikTok Shop đã tăng phí lần thứ 4 trong năm nay.

Doanh nghiệp này đang bán hàng trên nền tảng TikTok Shop và quảng bá sản phẩm trên TikTok, tuy nhiên, phía TikTok lại không xuất hoá đơn để doanh nghiệp có chứng từ về chi phí quảng cáo. Do vậy, doanh nghiệp không thể khấu trừ vào chi phí bán hàng. 

"Kế toán của chúng tôi báo lại, doanh nghiệp đã trả tiền cho TikTok nhưng Tổng cục Thuế thì chưa ghi nhận mã số thuế của TikTok. Đây là vấn đề cần làm rõ", vị đại diện doanh nghiệp nói.

Các sàn thương mại điện tử đàng "ép" doanh nghiệp bán hàng ? (Ảnh: Internet)

Thuế yêu cầu hóa đơn ngay, Shopee để 1 tuần, doanh nghiệp bế tắc

Một vấn đề khác cũng được Công ty Sản xuất thương mại Tuấn Phương Nam quan tâm, đó là về thời điểm xuất hoá đơn.

Cụ thể, cơ quan thuế của TP.HCM yêu cầu doanh nghiệp phải xuất hoá đơn đúng thời điểm hàng hoá được chuyển giao cho người mua. Tuy nhiên, Shopee lại chỉ tính một đơn hàng thành công sau 7 ngày giao hàng mà không có khiếu nại, đổi trả.

Ví dụ, đơn hàng phát sinh vào ngày 1/9; hàng được giao cho người mua ngày 3/9. Như vậy, nếu không có khiếu nại, đổi trả, tới ngày 10/9 Shopee mới cập nhật đơn hàng giao thành công trên hệ thống.

Do đó, việc cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp xuất hoá đơn đúng thời điểm giao hàng là không thể. Vì tại thời điểm ngày 1/9, doanh nghiệp bán hàng không thể biết thời gian hàng đến tay người mua, phụ thuộc sàn TMĐT rất nhiều.

Trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp về việc quản lý tăng phí của các sàn TMĐT, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý thương mại điện tử, Cục Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, phí trên sàn TMĐT là lĩnh vực mà Nhà nước không quy định hay niêm yết giá. Đây là thoả thuận dân sự giữa các sàn và người bán hàng trên sàn. 

Ở đây, khi sàn TMĐT đưa ra mức phí như vậy, doanh nghiệp có quyền tham gia hoặc không tham gia bán hàng trên sàn. Bởi, trước khi tăng giá, các sàn TMĐT đã báo với khách hàng.

Do đó, nếu thấy có sự cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp có thể gửi khiếu nại về Uỷ ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) để đơn vị chuyên môn xem xét thêm.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), ông Nguyễn Minh Đức cũng cho rằng, tăng giá là quyền của nền tảng TMĐT. Doanh nghiệp mua dịch vụ thì phải chấp nhận mức giá đó, nếu thấy không hợp lý, doanh nghiệp ngừng sử dụng dịch vụ của sàn TMĐT.

Đáng chú ý, ở phần trả lời về thời điểm lập hoá đơn theo đúng quy định pháp luật cho các doanh nghiệp bán hàng trên sàn TMĐT, đại diện cơ quan thuế TP.HCM lại tỏ ra lúng túng. Cán bộ này chỉ... trích dẫn văn bản luật. 

Vị này cho hay, thời điểm lập hoá đơn đối với bán hàng hoá là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu và quyền sử dụng hàng hoá cho người mua, không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền. Nội dung theo quy định tại khoản 1, điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.

Điều hành phiên đối thoại, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC đề nghị đại diện Cục Thuế TP.HCM thay vì trích dẫn các văn bản luật, cần giải thích rõ vào trường hợp cụ thể cho Công ty Tuấn Phương Nam. Bởi, quy trình bán hàng trên sàn TMĐT đang khác so với khi mua hàng thông thường. 

"Xác định rõ thời điểm lập hoá đơn trong trường hợp này, Cục Thuế có trả lời cụ thể được hay không ?", ông Lữ hỏi.

"Về quy định, doanh nghiệp cứ áp dụng theo điều 9, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP. Nếu Tổng cục Thuế hay Bộ Tài chính có sửa đổi, bổ sung gì thì Cục Thuế TP.HCM mới ghi nhận, kiến nghị đối với trường hợp cụ thể. Nếu doanh nghiệp muốn có câu trả lời cụ thể, đề nghị có văn bản", đại diện Cục thuế TP.HCM trả lời.

Theo Trần Chung (VietNamNet)

Nổi bật