TikTok bắt đầu triển khai tính năng bán hàng TikTok Shop tại 10 nước ASEAN vào năm 2021. Từ đó tới nay, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên TikTok Shop ước tính tăng gấp 7 lần.
Đây là số liệu vừa được công bố trong báo cáo của hãng tư vấn Momentum Works (Singapore). Từ GMV 600 triệu USD năm 2021, TikTok Shop mang về 4,4 tỷ USD năm 2022, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Phát biểu tại một hội thảo ở Jakarta (Indonesia), CEO TikTok Shou Zi Chew tuyên bố, công ty sẽ mở rộng sự hiện diện tại thị trường Đông Nam Á, vốn đang là “sân chơi” của các gã khổng lồ như Sea và GoTo.
“Chúng tôi sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào Indonesia và Đông Nam Á trong vài năm tới”, Chew cho biết. Như một phần của cam kết, TikTok Shop sẽ chi hơn 12 triệu USD trong vòng 3 năm tiếp theo để hỗ trợ hơn 120.000 người bán hàng và doanh nghiệp trong khu vực.
Theo CEO TikTok, nền tảng hiện tuyển dụng 8.000 nhân viên tại đây, tăng từ khoảng 100 khi lần đầu gia nhập thị trường 6 năm trước.
Weihan Chen, nhà phân tích tại Momentum Works, nhận xét TikTok vô cùng quyết tâm trong việc đẩy mạnh TMĐT ở Đông Nam Á. Vẫn còn quá sớm để biết họ có thành công không, vì mọi người vẫn dựa vào các nền tảng truyền thống hơn.
Momentum Works ước tính GMV từ đơn hàng đã thanh toán tại các nền tảng bán lẻ kỹ thuật số lớn, cũng như phỏng vấn chuyên gia trong ngành và tính toán riêng.
Dù đạt được bước tiến đáng kể, TikTok Shop vẫn bị các đối thủ lớn hơn lấn lướt. Từ năm 2021 đến 2022, GVM của Shopee tăng từ 42,5 tỷ USD lên 47,9 tỷ USD và là sàn TMĐT lớn nhất khu vực, chiếm gần một nửa thị trường. Đứng sau Shopee là Lazada của Alibaba. Tuy nhiên, Lazada lại là nền tảng duy nhất ghi nhận thị phần sụt giảm. GMV của sàn giảm từ 21 tỷ USD năm 2021 xuống 20,1 tỷ USD năm 2022, theo báo cáo của Momentum Works. Tokopedia của GoTo xếp thứ ba với GMV tăng từ 15,5 tỷ USD lên 18,4 tỷ USD trong cùng kỳ.
Thứ hạng không thể ngăn cản tham vọng chiếm “miếng bánh” bán lẻ lớn hơn tại ASEAN của TikTok Shop. Sau khi ra mắt tại Indonesia, nền tảng nhanh chóng mở rộng sang Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Singapore năm 2022.
TikTok đang tận dụng nền tảng người dùng khổng lồ để thu hút người mua hàng qua mạng. Người bán hàng có thể chào hàng trực tiếp qua tài khoản TikTok, gợi ý mua sắm qua livestream và một mục riêng trên trang cá nhân.
Công ty cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để hấp dẫn cả người mua, người bán. TikTok khởi động chiến dịch tại Singapore bằng cách miễn hoa hồng của người bán và chỉ thu 1% phí thanh toán. Với người mua, có nhiều phiếu giảm giá để lôi kéo họ đến với nền tảng.
Ng Chew Wee, Giám đốc tiếp thị kinh doanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương TikTok, khẳng định TikTok Shop là hội tụ của nội dung và thương mại, không chỉ trao quyền cho doanh nghiệp địa phương tiếp cận lượng khách hàng tăng trưởng nhanh, mà còn cung cấp nội dung giải trí thú vị.
(Theo Du Lam (VietNamNet)