Nhà báo Emily Voigt đã dành 3 năm tìm hiểu về thị trường buôn cá rồng bạc tỷ ở châu Á và phát hiện nhiều bí mật ít người biết.
Việc lách luật sở hữu động vật như hổ, báo tại châu Á rất khó khăn, nên những người giàu có chuyển sang sưu tầm các loại cá không chỉ quý hiếm mà còn có ý nghĩa tâm linh, được coi là sẽ hỗ trợ hoặc chịu hạn thay cho gia chủ trong làm ăn, đặc biệt là cá Arowana, hay còn được biết tới ở Việt Nam là cá rồng do có hình dáng thon thả và bộ râu đẹp mắt.
Emily Voigt đã hoàn thành cả một cuốn sách về chủ đề này mang tên "The Dragon Behind the Glass: A True Story of Power, Obsession and the World's Most Coveted Fish" (Rồng trong bể kính: Câu chuyện thật về quyền lực, ám ảnh và loài cá được thèm muốn nhất). Tại Mỹ, loài cá này bị cấm cửa hoàn toàn nhưng ở Đông Nam Á thì dễ dàng hơn.
Vẻ đẹp của cá rồng |
Việc lùng bắt đã khiến cá arowana gần như biến mất trong tự nhiên và giờ chỉ tồn tại trong những trại nuôi cấy. Những nơi này không khác gì các nhà tù an ninh cao, với tường bê tông cao hàng mét, hàng rào dây thép gai và rất nhiều chó dữ canh gác cả ngày lẫn đêm. Lý do cho việc canh phòng cẩn mật này là chống trộm. Trong khoảng chục năm trở lại đây, đã có rất nhiều vụ trộm cướp, thậm chí giết người chỉ để sở hữu cá rồng. Mỗi khi giao một con cá là cả một đội hộ tống có vũ trang đi kèm.
Kenny Yap, một chủ trang trại cá cảnh ở Singapore nhận xét: "Không dễ đâu. Trộm cướp cá còn khó hơn cả trộm trang sức đá quý ấy chứ"
Một trang trại cá cảnh ở Singapore |
Kỳ lạ là hồi những năm 1970, cá rồng cũng chỉ là thức ăn như những loại thủy sản khác. Voigt đã phải liều mình giao du với các nhóm xã hội đen và con buôn chợ đen, thậm chí cả những vùng có chiến sự dọc 15 nước để tìm hiểu lý do tại sao loài này lại có thể bị đội giá lên tới như vậy. Trừ những con cá được lai giống không chọn lọc, thì chúng đều có giá ít nhất là trên 10.000USD (200 triệu đồng). Con cá đắt nhất cô từng thấy có giá 300.000USD (6,6 tỷ VND) được cho là của một quan chức Trung Quốc đặt hàng.
Cá rồng rất đa dạng về màu sắc và giá rất đắt |
Khi tìm hiểu, Voigt phát hiện ra rằng kể từ khi cá rồng được xếp vào dạng "đang gặp nguy hiểm" hồi Hội nghị về Buôn bán động vật quý hiếm năm 1975 tổ chức bởi Liên Hợp Quốc, nhu cầu sở hữu chúng bắt đầu tăng lên. Ngoài ra, việc loài cá này sinh sản khá chậm cũng góp phần làm chúng trở nên đáng giá.
Theo Mẫn Di (Khám Phá)