Trong báo cáo nộp lên Sàn chứng khoán Thâm Quyến hôm qua, hãng chế biến thịt Chuying Agro-Pastoral Group (Trịnh Châu, Trung Quốc) cho biết các chủ nợ nắm 271 triệu NDT (39 triệu USD) trái phiếu của họ đã đồng ý nhận thịt lợn thay tiền lãi. Tuần này, họ cũng không thể hoàn trả 500 triệu NDT trái phiếu đáo hạn do thiếu tiền mặt vì dịch tả lợn châu Phi lan tràn.
Judy Kwok-Cheung - Giám đốc nghiên cứu các công cụ trả lãi cố định tại Bank of Singapore nhận định trường hợp này cho thấy các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc đang gặp vấn đề về thanh khoản. "Thường thì trả bằng hàng hóa không được chấp nhận trong thanh toán nợ", bà cho biết.
Dù vậy, ít nhất thì sản phẩm của Chuying Agro-Pastoral cũng là hàng xa xỉ. Một set thịt quà tặng của công ty này có giá gần 9.000 NDT (gần 1.300 USD) trên website thương mại điện tử Trung Quốc - JD.com.
Đảm bảo nguồn tài chính ổn định với lãi suất phải chăng cho khu vực tư nhân là vấn đề cố hữu với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc. Các ngân hàng thương mại thường thích cho công ty nhà nước hơn là công ty tư nhân vay tiền. Các vụ vỡ nợ trái phiếu năm nay tại nước này cũng đang tiến dần mốc kỷ lục, càng khiến nhà băng thắt chặt tín dụng.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và chiến tranh thương mại với Mỹ đã tạo thêm áp lực cho ngành này. Việc giới chức tăng kiểm soát ngân hàng ngầm - nguồn tài chính ưa thích của các công ty nhỏ - cũng là một nguyên nhân khiến doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn.
Hồi đầu tuần, Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc ra thông cáo cho biết sẽ khuyến khích các tổ chức tài chính tận dụng tối đa các biện pháp kích thích gần đây để tăng cho vay doanh nghiệp nhỏ. Cơ quan này sẽ hỗ trợ các ngân hàng phát hành trái phiếu đặc biệt để chao vay công ty nhỏ, đồng thời áp dụng công thức tính rủi ro theo hướng ưu đãi khi quyết định lãi suất cho vay nhóm này.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)