Phần lớn người tiêu dùng Trung Quốc mà phóng viên Nikkei có thể tiếp xúc được đều cho biết họ buộc phải tiết kiệm bởi chi phí cuộc sống tăng quá cao.
Khi lạm phát và giá nguyên vật liệu tăng mạnh, chỉ số giá tiêu dùng tại Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay tăng đến 2,1% so với mức của năm 2017, cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng chưa có dấu hiệu tăng chậm lại. Trong tháng 9/2018, giá cả tiêu dùng tăng 2,5% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất tính từ thời kỳ Tết Âm lịch vào tháng 2/2018.
Đối với anh Wang, một chuyên gia phân tích tài chính tại Thượng Hải, mỗi lần anh chi tiêu cái gì, anh cảm thấy rõ ràng chi phí cuộc sống cao quá mức. Nếu như vào năm 2017, để mua một chiếc dao cạo râu, anh phải bỏ ra 20 nhân dân tệ. Giờ đây anh phải chi ra đến 22 nhân dân tệ. Để đối phó với tình trạng giá cả tăng quá cao, anh đã chuyển sang thay dao cạo 3 lần/tuần thay cho 2 tuần/lần.
Dù con số 2 nhân dân tệ có thể không mấy khác biệt, thế nhưng khi mà giá cả loại thực phẩm, quần áo và nhiều nhu yếu phẩm khác tăng mạnh, chi phí cuộc sống của anh đã tăng 10% trong năm nay. Anh Wang cho biết dù lương được tăng nhưng đơn giản mức tăng không đủ bù đắp cho chi phí lao động tăng quá cao, và điều đó khiến người dân khó có thể chi tiêu.
Trong khi đó, chi phí nhà ở quá cao tại các thành phố lớn của Trung Quốc đang khiến cho túi tiền người dân ngày một teo nhỏ. Dù anh Wang đã chuyển sang khu nhà ở rẻ hơn, chi phí thuê nhà mỗi tháng cũng lấy đi của anh 3.600 nhân dân tệ, tương đương khoảng 30% lương tháng.
Với những ai đang muốn mua nhà, số tiền họ có thể dành cho chi tiêu còn hạn chế hơn nữa. Người sống ở nội thành Trung Quốc kiếm được trung bình 29.599 nhân dân tệ trong 9 tháng đầu năm nay, mức tăng 7,9% so với năm trước đó. Tuy nhiên, mức tiền trên chỉ đủ mua 2 mét vuông căn hộ tại thành phố lớn của Trung Quốc, nơi mà mức giá nhà trung bình ước khoảng 13.000 nhân dân tệ/mét vuông ở thời điểm tháng 8/2018, theo công ty nghiên cứu E-House trụ sở tại Thượng Hải.
Khi mà các hộ gia đình Trung Quốc chịu nhiều áp lực khi chi phí cuộc sống tăng cao, triển vọng việc làm của họ cũng khó khăn. Chỉ số việc làm của Trung Quốc, chỉ số đo lường nhu cầu nhân lực của các nhà máy, vẫn tăng trưởng âm trong năm nay, nguyên nhân chính do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Nhiều người Trung Quốc ở tầng lớp lao động thấp đang mất việc khi mà một số công ty Trung Quốc đại lục chuyển sản xuất sang một số nước khác, trong đó có nhiều nước Đông Nam Á. Công ty sản xuất thiết bị điện tử GoerTek, một nhà cung cấp chính cho Apple, đang tính chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh thuế cao từ phía Washington. Hiện công ty này đang tuyển dụng 26 nghìn người lao động tại Trung Quốc.
Không chỉ vậy, người Trung Quốc cũng đang ngày một gặp khó trong việc kiếm thêm thu nhập. Từ khi thị trường tài chính tài chính Trung Quốc suy giảm tồi tệ trong năm nay, cô Guo Liyan ở tỉnh Giang Tô – Trung Quốc, cảm thấy cuộc sống ngày một khó khăn.
Cô Guo nói: “Lương của tôi quá thấp, chính vì vậy tôi phải dựa vào nguồn tiền từ thị trường chứng khoán để có tiền chi trả cho cuộc sống”. Cô Guo còn mất 370 nghìn nhân tệ trong hoạt động cho vay ngang hàng.
Một số lựa chọn đầu tư khác cũng không an toàn. Cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm sâu trong năm nay, chỉ số CSI 300 giảm hơn 20% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2018.
Cô Guo nói: “Tôi không dám mạo hiểm đầu tư tài chính nữa. Tôi quá sợ rồi.” Giờ đây khi không còn nguồn tiền lợi tức từ đầu tư tài chính, cô không còn dám tiêu xài hàng xa xỉ.
Tháng 10/2018, chỉ số tiêu dùng của người Trung Quốc rơi xuống mức thấp nhất tính từ tháng 8/2016, theo thống kê của Financial Times. Khảo sát này cũng cho thấy ngày một ít người tiêu dùng có kế hoạch tăng chi tiêu trong những tháng tới, chỉ số tăng trưởng tiêu dùng rớt xuống mức thấp nhất trong 17 tháng.
Theo Trung Mến (Bizlive.vn)