Tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu về gói hỗ trợ lần hai. Nhiều doanh nghiệp và người dân kỳ vọng vào các gói hỗ trợ này, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Trong ấn phẩm đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2020 vừa công bố sáng nay (31/3) của Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), các tác giả cũng đánh giá, dư địa tài khóa của Việt Nam đang thấp nhất trong khối các nước ASEAN-5, khiến việc thiết kế chính sách hỗ trợ tiếp theo ngày một khó. Thâm hụt ngân sách dai dẳng, chi tiêu ngân sách nhà nước cao với cơ cấu bất hợp lý (tỷ lệ chi chường xuyên chiếm phần lớn) và tỷ lệ nợ công trên GDP cao.
Năm 2020, Chính phủ ban hành gói hỗ trợ lần một với quy mô được lượng hoá tương đương với 3% GDP. Nhưng thực tế, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 15% GDP của các nước đã phát triển, 10-12% GDP của các nước mới nổi tương đương và mức 2-7% tại các nước Đông Nam Á.
Thực tế này có thể hiểu được khi các chính sách hỗ trợ về thuế, phí hỗ trợ người dân được ban hành trong bối cảnh Việt Nam có cải thiện nhẹ về tài khoá, tỷ lệ nợ công trên GDP có xu hưởng giảm dần từ năm 2016. Tuy nhiên, quy mô nợ gia tăng đang khiến nghĩa vụ trả nợ trên tổng thu ngân sách tăng nhanh, ước tính đã chạm mức trần 25% cho phép trong năm 2020. So với các quốc gia trong khối ASEAN-5, Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ nợ công trên GDP cao nhất, gần gấp đôi so với Indonesia, gần gấp rưỡi so với Philippines hay Thái Lan.
Bởi vậy, các chính sách hỗ trợ về thuế, tiền thuê đất nằm trong gói hỗ trợ lần một theo bà Vũ Thị An, Giám đốc công ty tư vấn thuế C&A là dù kịp thời nhanh nhạy nhưng còn rất khiêm tốn. Tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế khiến các gói hỗ trợ về thuế chủ yếu mang tính tâm lý động viên.
Do những ràng buộc này, các chính sách tài khóa theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu NEU, cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ưu tiên cao nhất là hỗ trợ những người mất việc làm, kể cả khu vực chính thức và phi chính thức, tiếp đến, là các hỗ trợ về chi phí đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Nhìn lại việc gia hạn tiền nộp thuế và thuê đất trong năm 2020, nhóm nghiên cứu NEU đánh giá chính sách còn hạn chế và chưa lan toả đến mọi đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thời gian gia hạn ngắn và sai lệch trong dự báo dẫn đến hơn 65% tổng số tiền thuế dự kiến không được gia hạn. Khoảng 83% doanh nghiệp và 84% hộ và cá nhân kinh doanh đủ điều kiện hưởng lợi nhưng không tiếp cận được với chính sách.
Để khắc phục hạn chế của chính sách lần một, nhóm nghiên cứu khuyến nghị chính phủ nên tiếp tục mở rộng đối tượng và kéo dài thời gian, tùy thuộc vào diễn biến thực tế của dịch bệnh. Tuy nhiên, việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2021 cần được thực hiện trên cơ sở đánh giá mức độ hiệu quả của chính sách lần một, để xác định được những ngành, loại hình doanh nghiệp cần hỗ trợ, cũng như mức độ hỗ trợ phù hợp tuỳ theo sức ảnh hưởng của dịch bệnh.
Còn chính sách giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 cho doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỷ đồng, theo nhóm nghiên cứu, gây lãng phí ngân sách vốn đang rất hạn hẹp và cần được phân bổ cho những mục đích chi tiêu ưu tiên khác.
Chính sách hỗ trợ này nhằm cả vào đối tượng doanh nghiệp làm ăn có lãi và đang được hưởng ưu đãi thuế, không riêng những đối tượng doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Giải pháp này do đó chưa nhắm trúng đối tượng, tạo ra sự bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp và có thể khiến môi trường kinh doanh xấu đi.
Nếu nguồn lực tài chính cho phép, chính sách này nên được thiết kế lại hướng vào hỗ trợ chi phí thay vì lợi nhuận như hiện tại. Đối tượng thụ hưởng mục tiêu nên được xác định dựa theo mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch chứ không phải theo quy mô
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ thông qua giảm phí, lệ phí lại dàn trải, ít có tác động thực mà có thể gây lãng phí ngân sách. Do vậy, chính phủ cần thu hẹp đối tượng thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này dựa trên mức độ chịu tác động bởi đại dịch, theo nhóm nghiên cứu.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của NEU khuyến nghị, các chính sách liên quan đến an sinh xã hội phải được ưu tiên hàng đầu. Dịch Covid-19 còn có thể tái bùng phát bất kỳ lúc nào, do vậy, các gói an sinh xã hội cho các đối tượng bị ảnh hưởng cần được tiếp tục duy trì. Đối tượng thụ hưởng nên được mở rộng và chú trọng tới nhóm lao động không có giao kết hợp đồng thuộc khu vực phi chính thức.
Ngoài ra, Nhà nước nên cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo kỹ năng cho người lao động trong thời gian giãn việc, nghỉ việc. Người lao động dù tạm thời chưa có việc làm cũng nên được duy trì tham gia bảo hiểm xã hội, từ đó được bảo đảm các quyền lợi về bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tương tự với tài khoá, dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng chỉ còn rất hạn hẹp. Chính sách tiền tệ nới lỏng cần hết sức thận trọng về quy mô và thời gian kéo dài, đặc biệt là khi các hoạt động kinh tế sôi động trở lại, theo nhóm nghiên cứu.
Năm 2020, tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng không thấp hơn quá nhiều, nhưng tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng 40% so với con số tăng trưởng trung bình của hai năm trước đó (năm 2018 và 2019). Rất có thể, một phần tăng trưởng tín dụng chỉ để giúp duy trì sự tồn tại của doanh nghiệp, hơn là để tạo ra hàng hóa và dịch vụ mới. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng cao có thể là nhờ việc cơ cấu lại nợ, phát hành trái phiếu chính phủ và hoặc do tín dụng không trực tiếp đi vào sản xuất. Ngoài ra, vai trò của sự mở rộng tiền tệ - tín dụng trong năm 2020 thiên về hỗ trợ đầu tư công và kéo dài sự tồn tại của doanh nghiệp hơn là thúc đẩy đầu tư tư nhân và tạo ra sự tăng trưởng mới của doanh nghiệp.
Giá cả tiêu dùng khá ổn định nhưng bong bóng giá tài sản (bên cạnh nợ xấu) là một rủi ro đáng quan ngại khi chính sách tiền tệ được nới lỏng. Giá chứng khoán và bất động sản đều tăng bất thường trong năm 2020. Đây là những dấu hiệu đáng lo ngại ban đầu của hiện tượng bong bóng giá tài sản khi tỷ lệ cung tiền M2 trên GDP và tín dụng trên GDP đang lần lượt tiệm cận mốc 200% và 150%, vượt xa so với các nước trong khu vực ASEAN-5.
Trong thời kỳ đại dịch, nhóm nghiên cứu đánh giá, công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường ít hiệu quả trong việc kích thích tổng cầu. Trong thời gian tới, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động.
Nguyên Phó viện trưởng chiến lược ngân hàng Phạm Xuân Hoè cũng khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát, chỉ đạo để giảm lãi suất tiền vay nhanh hơn nữa. Quốc hội hiện nay ấn định chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ngân hàng một năm không quá 4%. Ông đề nghị đưa mức này xuống 3,3-3,5% để tạo điều kiện giảm lãi vay cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến nghị các chính sách hỗ trợ tín dụng cần rõ ràng, minh bạch và gỡ bỏ rào cản không cần thiết. Như gói 16.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 0% hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động, ban hành rồi sửa đổi nhưng vẫn xa rời thực tế. Ngoài quy định giảm doanh thu, điều kiện đặt ra để được vay gói này là doanh nghiệp có người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, phải ngừng việc từ một tháng liên tục trở lên.
Hơn nữa, chính sách giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của Covid-19, theo nhóm nghiên cứu NEU, cũng cần được rà soát và điều chỉnh để các doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn. Khi thời hạn cơ cấu lại nợ hết hiệu lực, rất có thể nhiều khoản nợ xấu sẽ bộc lộ. Do vậy, các ngân hàng cần chủ động đánh giá đầy đủ về những rủi ro có thể phát sinh từ các khoản nợ đã được cơ cấu lại, trích lập dự phòng đầy đủ nếu cần thiết.
Theo Quỳnh Trang (VnExpress.net)