Chính phủ vừa có văn bản giao các bộ: GTVT, Tài chính… xem xét, giải quyết theo thẩm quyền một số kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không về hỗ trợ các hãng hàng không gặp khó khăn vì dịch COVID-19. Trong đó, hiệp hội này kiến nghị Chính phủ gói hỗ trợ tài chính ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp hàng không vay, với giá trị từ 25-27 nghìn tỷ đồng, và một số giải pháp giảm thuế, phí...
Một số ý kiến cho rằng, liệu có cần thêm gói hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng không, khi hãng lỗ đã được hỗ trợ, còn các hãng khác đều có lãi trong năm 2020. Thậm chí, khoản lãi đó về mặt lý thuyết các hãng vẫn có thể sử dụng để chia cổ tức cho cổ đông, nhà đầu tư. Do đó, nhà nước có thể ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn.
Năm 2020, Việt Nam có 5 hãng hàng không thương mại hoạt động, trong đó Vietnam Airlines Group gồm 3 hãng (Vietnam Arilines, Pacific Airlines và Vasco) đã công bố lỗ hợp nhất khoảng 14.000 tỷ đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Do đó, Vietnam Airlines đã được Quốc hội, Chính phủ cho phép thực hiện gói giải cứu trị giá 12.000 tỷ đồng.
Hai hãng còn lại đều công bố có lãi trong năm vừa qua, trong đó Vietjet lãi 70 tỷ đồng sau thuế, Bamboo Airways lãi khoảng 400 tỷ đồng trước thuế.
Được biết, văn bản kiến nghị có gói hỗ trợ tài chính từ Chính phủ cho các hãng hàng không của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không được gửi trước khi các hãng công bố báo cáo tài chính có lãi, hoặc thông báo lãi. Trong văn bản của mình, hiệp hội này dẫn các doanh nghiệp hàng không đều gặp khó khăn trong kinh doanh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên cần gói tài chính hỗ trợ để cải thiện khả năng thanh khoản, tái cơ cấu các khoản nợ tới hạn…
Trao đổi với Tiền Phong về việc doanh nghiệp hàng không có lãi sao vẫn cần Chính phủ tiếp tục hỗ trợ tài chính và giảm phí, một lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không cho rằng: Thực tế kinh doanh vận tải hàng không vẫn rất nhiều khó khăn và lỗ. Điều này do ảnh hưởng dịch bệnh, không còn bay quốc tế, các hãng chỉ còn cạnh tranh thị trường nội địa nên gặp khó khăn dòng tiền.
“Kinh doanh vận tải hàng không lỗ, nhưng có thể các doanh nghiệp dùng nhiều giải pháp khác nên tổng thể vẫn lãi, đây là giải pháp chủ động của doanh nghiệp thay vì trông chờ hỗ trợ. Còn Chính phủ hỗ trợ để doanh nghiệp khôi phục hoạt động, sớm phục hồi thì có thể thu được thuế cho ngân sách”, vị lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không chia sẻ.
Theo Lê Hữu Việt (Tiền Phong)