Giải cứu hàng không: Chờ 1 gói giải cứu rộng và nhiều hơn

23/11/2020 13:49:22

Cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như Vietnam Airlines, các hãng bay tư nhân Vietjet Air và Bamboo Airways đang vật lộn vượt bão và trông đợi một gói hỗ trợ để duy trì hoạt động.

Cần một gói hỗ trợ chung

Không chỉ Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân cũng đang oằn mình gánh lỗ. Dù đã áp dụng mọi giải pháp, trong đó có sang nhượng tài sản, tài chính nhưng 9 tháng đầu năm, Vietjet vẫn lỗ hợp nhất gần 1.000 tỷ đồng. Nếu tách riêng hàng không thì số lỗ của hãng này cũng lên đến vào ngàn tỷ đồng. Khoản thiệt hại được Bamboo Airways cũng lên đến con số cả ngàn tỷ đồng. 

TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho hay, tính toán hồi tháng 6 của Hiệp hội cho thấy hàng không Việt Nam năm nay thiệt hại 4 tỷ USD và còn tăng thêm.

Đó là bởi đường bay quốc tế, vốn chiếm 50% doanh thu và phần lớn lợi nhuận của Vietnam Airlines và Vietjet, vẫn đóng cửa hoàn toàn. Nhu cầu bay nội địa giảm do trong giai đoạn thấp điểm, chi phí phòng dịch lại cao nên các hãng còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc bị cạn kiệt dòng tiền khiến các hãng phải liên tục hạ giá vé nên nguồn thu cũng ảnh hưởng.

Giải cứu hàng không: Chờ 1 gói giải cứu rộng và nhiều hơn
 Các hãng hàng không trong nước đang vật lộn trước khó khăn và trông đợi một gói hỗ trợ để duy trì hoạt động.

Tuy đã tìm mọi cách xoay xở, song các hãng hàng không trong nước vẫn cần một gói hỗ trợ kịp thời của Nhà nước về lãi suất vay để gia tăng dòng tiền hoạt động, đồng thời là các chính sách hỗ trợ khác về thuế, phí, giá...

Mới đây, Vietnam Airlines, với 86% vốn do Nhà nước nắm giữ, được Quốc hội đồng ý thông qua gói giải cứu. Theo đó, trong gói 12.000 tỷ đồng giải cứu VNA, riêng tiền từ nguồn nhà nước bơm cho hãng là 10.800 tủ đồng, trong đó có khoản vay 4.000 đồng với lãi suất ưu đãi theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước. Đây chính là điều mà tất cả các hãng hàng không đều mơ ước nhưng tất nhiên ưu đãi chỉ dành cho 1 hãng duy nhất và đi kèm theo đó là không ít ý kiến băn khoăn.  

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận, rõ ràng với gói hỗ trợ bổ sung vốn, cho vay lãi suất ưu đãi thì Vietnam Airlines được tạo lợi thế hơn hẳn so với các hãng non trẻ khác cũng đang vật lộn khó khăn và thua lỗ. 

TS. Bùi Doãn Nề cho biết thêm, hồi tháng 8 Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không vay dài hạn 25.000-27.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi. Các hãng cũng đều có văn bản đề nghị Chính phủ cho vay gói ưu đãi lãi suất, song đến nay chỉ Vietnam Airlines được duyệt. 

Theo ông Bùi Doãn Nề, nếu các hãng bay tư nhân cũng được hỗ trợ khoản vay lãi suất ưu đãi như vậy sẽ vừa thể hiện sự quan tâm của nhà trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, vừa bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng.

Tuy vậy, hàng không là động lực của nền kinh tế và Thủ tướng chính phủ đang có nhiều hành động bảo đảm kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế nên "tôi tin là sau Vietnam Airlines, sắp tới, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ hãng bay tư nhân”, ông Nề bày tỏ.

Cần nhiều chính sách hỗ trợ khác

Ông Bùi Doãn Nề cho rằng, thực tế nếu Chính phủ hỗ trợ gói 25.000 tỷ đồng thì tổng số vốn hỗ trợ cho ngành hàng không cũng chỉ bằng khoảng 25% tổng thiệt hại của ngành. Số tiền đó cũng chỉ gần bằng mức hỗ trợ bình quân của các chính phủ trên thế giới cho ngành hàng không. 

Giải cứu hàng không: Chờ 1 gói giải cứu rộng và nhiều hơn - 1
Ngoài gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất, các hãng bay cần được hỗ trợ dài hơi hơn về thuế và phí.

Khi đại dịch Covid-19 còn phức tạp và kéo dài chưa biết đến bao giờ, thiệt hại với ngành hàng không dự báo còn rất lớn. Do đó, ngoài gói hỗ trợ ưu đãi lãi suất, các hãng bay vẫn cần được hỗ trợ dài hơi hơn về thuế và phí,... trong năm 2021.

Trong đề xuất về gói cứu trợ thứ hai, để góp phần giảm chi phí đầu vào, giảm áp lực về dòng tiền cho các doanh nghiệp hàng không, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị kéo dài quy định giảm 50% giá cất hạ cánh tàu bay, giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa.

Đồng thời, giảm 70% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 1/1/2021 đến hết 31/12/2021.

Một gói hỗ trợ 11.000 tỷ đồng đối với các khoản vay bảo lãnh của Chính phủ cho 3 hãng hàng không lớn cũng được Bộ KH-ĐT đề xuất nhằm kịp thời hỗ trợ dòng tiền và thanh khoản cho các doanh nghiệp hàng không, tránh việc các doanh nghiệp này phải tuyên bố phá sản, ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc, cạnh tranh của ngành hàng không, khiến hàng ngàn lao động mất việc làm và sẽ tốn nguồn lực và chi phí lớn để phục hồi lại trạng thái trước dịch bệnh.

"Tuy 11.000 tỷ đồng còn quá thấp so với điều kiện thực tế cần hỗ trợ của các hãng nhưng trước mắt nếu được thông qua khoản tín dụng này, sẽ giúp các hãng giảm bớt khó khăn nguồn tiền hoạt động và trả nợ" ông Nề nói. 

Mới đây, Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện các giải pháp hỗ trợ chung của Nhà nước đối với các hãng hàng không.

Tại Thông tư quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, cơ quan này đã đồng ý áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với 8 dịch vụ hàng không và 3 dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá, như dịch vụ thuê sân đậu tàu bay, thuê quầy check-in, tra nạp xăng dầu hàng không, dịch vụ mặt đất, thuê cầu dẫn khách lên xuống máy bay, cho thuê mặt bằng tại nhà ga,...

Đây là cơ sở để Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và một số doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hàng không đàm phán hỗ trợ các hãng hàng không thuận tiện hơn so với quy định trước đó không có giá tối thiểu 0 đồng.

Ngoài ra, Bộ GTVT và Cục Hàng không đã bỏ việc tính slot (lượt cất, hạ cánh) lịch sử trong việc phân bổ slot cho các hãng hàng không Việt Nam tại các sân bay như quy định cũ, tạo điều kiện cho hoạt động khai thác của các hãng.

Theo Thu Hồng (VietNamNet)

Nổi bật