Trung Quốc còn ‘kho đạn dược’ 3.650 tỷ USD trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

17/05/2019 11:19:49

Bộ Tài chính Trung Quốc khả năng cao sẽ là bên triển khai biện pháp ứng phó với Mỹ trong cuộc chiến thương mại thay vì ngân hàng trung ương.

Nếu chính sách thuế của Mỹ thực sự tác động đến tăng trưởng trong năm nay, Trung Quốc vẫn còn nhiều biện pháp tài chính trực tiếp để vực dậy nền kinh tế trước khi ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) phải hạ lãi suất, theo phân tích từ Bloomberg. Số liệu công bố ngày 15/5 cho thấy kinh tế Trung Quốc nhìn chung đã chững lại trong tháng 4.

Chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc có ít nhất 25.100 tỷ nhân dân tệ (3.650 tỷ USD) ngân sách chưa sử dụng trong năm nay. Con số này cao hơn 2.000 tỷ nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái và tương đương với GDP Đức

“Giới lãnh đạo Trung Quốc đủ khả năng để tối ưu hóa các công cụ chính sách hơn là Mỹ trong trường hợp chiến tranh thương mại kéo dài. Đó chính là nguồn gốc sự tự tin của Trung Quốc”, theo Serena Zhou, nhà kinh tế tại Mizuho Securities Asia, Hong Kong.

“Từ chính sách tiền tệ, tài khóa cho đến vai trò chủ chốt của các doanh nghiệp quốc doanh, sự kiểm soát nền kinh tế của Trung Quốc rõ ràng mạnh hơn Mỹ”.

Thống đốc PBoC Yi Gang năm 2018 nói ông muốn tránh "kích thích”. Bình luận này làm giảm triển vọng Trung Quốc hạ lãi suất trong bối cảnh Yi cần hạn chế các bong bóng trên thị trường và thiết lập trần tăng trưởng nợ.

Trung Quốc còn ‘kho đạn dược’ 3.650 tỷ USD trong cuộc chiến thương mại với Mỹ
Tỷ lệ ngân sách đã/chưa được sử dụng trong năm nay của Trung Quốc.

Giới chuyên gia từ các công ty như Morgan Stanley, China International Capital Corporation (CICC), Macquarie Securities, dự đoán Trung Quốc giảm hơn nữa tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng bởi nhà chức trách muốn dòng vốn lưu thông.

Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp tài chính vào đầu năm, rõ ràng nhất là chi vào những lĩnh vực liên quan đến hạ tầng như vận tải và bảo vệ môi trường. Dù vậy, hơn 2/3 tổng ngân sách “tăng thêm” vẫn chưa được dùng đến. Tăng chi tiêu không phải là biện pháp tài chính duy nhất nếu chiến tranh thương mại với Mỹ ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Trung Quốc.

“Trung Quốc có thể tăng cường các chính sách hỗ trợ tăng trưởng nếu Mỹ áp thuế với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc” và lựa chọn ưu tiên sẽ gồm nới lỏng chính sách tài khóa như giảm thuế, phí, theo CICC.

Tăng trưởng chững lại nghiêm trọng có thể tạo ra tình huống “bằng mọi giá” cho giới lập chính sách Trung Quốc. Nếu không, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không đạt mục tiêu tăng trưởng dài hạn ngay trước dịp kỷ niệm 100 năm thành lập vào năm 2021.

Trong khi đó, PBoC đang nghiêng về nới lỏng kể từ tháng 5, khi căng thẳng thương mại leo thang. Xét về dư địa để kích thích tài khóa, PBoC có ít “không gian” để hành động và khả năng cao sẽ giữ nguyên cách “tiếp cận mục tiêu” hiện tại.

Giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc và lãi suất vẫn được cân nhắc triển khai nếu nền kinh tế gặp những thách thức lớn hơn, Wang Yifeng, trưởng phòng phân tích ngân hàng tại Everbright Securities, Bắc Kinh, nhận định.

PBoC khuyến khích các hoạt động thị trường mở kể từ đầu tháng 5, bổ sung thanh khoản để ổn định tâm lý thị trường. Các quan chức về chính sách tiền tệ tìm cách trấn an nhà đầu tư bằng cách nói họ vẫn còn dư địa chính sách và công cụ để ứng phó bất ổn.

“Chúng tôi không thể ước lượng ảnh hưởng từ chiến rtanh thương mại lên tâm lý doanh nghiệp, do đó, ảnh hưởng thực tế có thể lớn hơn” những gì giới nghiên cứu ước tính, thúc đẩy triển khai những chính sách hỗ trợ tăng trưởng, theo Robin Xing, kinh tế gia tại Morgan Stanley, Hong Kong.

Theo Như Tâm (Người Đồng Hành)

Nổi bật