Theo HOSE, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT CTCP Thế Giới Di Động (MWG) vừa hoàn tất bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG trong khoảng thời giant ừ 3-10/12/2021 và giảm tỷ lệ sở hữu tại MWG xuống còn 2,393% vốn, tương đương 17 triệu cổ phiếu.
Giao dịch của đại gia Nam Định diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu MWG tăng mạnh và đạt đỉnh cao lịch sử, trong khoảng 135.000-140.000 đồng/cp. Với mức giá này, ông Nguyễn Đức Tài thu về khoảng 135 tỷ đồng.
Thế Giới Di Động là doanh nghiệp bán lẻ điện máy và điện thoại hàng đầu tại Việt Nam. MWG kết quả kinh doanh ấn tượng trong nhiều năm gần đây nhưng cũng gặp khó vì đại dịch Covid-19. Làn sóng người dân rời bỏ một số thành phố lớn như TP.HCM về quê được cho là ảnh hưởng không nhỏ tới các doanh nghiệp bán lẻ.
MWG gần đây khai thác hàng loạt ngành hàng mới như xe đạp, trang sức, quần áo thời trang, đồ thể thao...
Ông Nguyễn Khanh Hưng - Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG (LDG) cũng vừa bán xong 3 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ 29/11 đến ngày 13/12 theo hình thức khớp lệnh trên sàn chứng khoán ở mức giá khoảng gấp đôi so với thời điểm 2 tháng trước đó.
Sau giao dịch, ông Hưng giảm sở hữu xuống còn 27 triệu đơn vị, tương đương 11,29% vốn. Ước tính ông Hưng thu về hơn 44 tỷ đồng sau giao dịch bán cổ phiếu.
Gần đây, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bán ra cổ phiếu trong bối cảnh thị trường chứng khoán lên đỉnh lịch sử và áp lực bán chốt lời cũng đã xuất hiện mạnh.
Hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp lớn vẫn khá tốt trong thời đại dịch. Tuy nhiên, triển vọng của nhiều doanh nghiệp không sáng sủa do sự bất định của dịch bệnh. Bên cạnh đó, giá nhiều cổ phiếu đã vượt kỳ vọng của thị trường.
Năm 2021 ghi nhận thị trường chứng khoán là kênh đầu tư hấp dẫn. Thị trường này vẫn được đánh giá có dư địa tăng trưởng trong năm sau nhờ các gói kích thích kinh tế. Tuy nhiên, nhiều dự báo cũng thận trọng.
Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu tăng theo xu hướng chung mà kết quả kinh doanh yếu kém.
Một số cổ phiếu tăng mạnh cho dù doanh thu và lợi nhuận giảm. Một số doanh nghiệp thậm chí không ghi nhận doanh thu nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng. Nhiều cổ phiếu tăng trần theo tin đồn, phím hàng.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 15/12
Sáng 15/12, nhiều cổ phiếu tăng giá nhẹ. Nhóm cổ phiếu ngân hàng hồi phục. Phần lớn cổ phiếu blue-chips tăng điểm và là trụ đỡ cho thị trường. VN-Index đóng phiên sáng tăng 2,27 điểm lên 1.478,29 điểm. HNX-Index tăng 0,9 điểm lên 455,58 điểm. Upcom-Index giảm 0,27 điểm xuống 111,82 điểm. Thanh khoản đạt 17,6 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo BSC, dòng tiền chủ yếu vẫn ủng hộ đà tăng của thị trường, VN-Index có khả năng tiếp tục tích lũy trong vùng 1.470-1.490 để lấy đà leo lên 1.500. Những phiên điều chỉnh như hôm 14/12 chỉ là ngọn gió nhẹ thổi những trái cây chín mọng của thị trường.
Còn theo MBS, thị trường để mất điểm trong những phút cuối phiên 14/12 dưới sức ép từ nhóm cổ phiếu VN30 khi nhà đầu tư lo ngại rằng tuần này là tuần cơ cấu của các quỹ ETF. Do vây dòng tiền tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ để tìm cơ hội đầu tư. Tín hiệu đáng chú ý thứ 2 là thanh khoản thị trường đang tăng trở lại trong tuần này nhờ hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, điều có cũng đồng nghĩa với cơ hội cho dòng tiền lớn quay trở lại đối ứng. Về kỹ thuật, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có nhiều khả năng vượt đỉnh cao mới và tiếp tục lôi kéo dòng tiền đầu cơ vào thêm, phần còn lại dòng tiền sẽ có sự phân hóa ở nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán, thép,...
Chốt phiên chiều 14/12, chỉ số VN-Index giảm 0,19 điểm xuống 1.476,02 điểm. HNX-Index giảm 2,88 điểm xuống 454,68 điểm. Upcom-Index giảm 0,21 điểm xuống 112,09 điểm. Thanh khoản đạt 32,5 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo V. Hà (VietNamNet)