Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng dòng tiền đang “mất tích bí ẩn” trên thị trường. Thực tế này diễn ra từ phiên giao dịch đầu tuần trở lại đây gây ra lo lắng thị trường thiếu động lực về khối lượng để kéo dài đà hồi phục.
“Mất tích bí ẩn”…
Thực tế giao dịch trong phiên sáng ngày 10.12 cho thấy, thanh khoản cả về khối lượng và giá trị diễn ra khá chậm, trong trạng thái giằng co nhẹ của nhiều cổ phiếu. Điểm số VN-Index được kéo xanh chỉ nhờ vào việc tăng giá mạnh của một vài cổ phiếu trụ trong đó điển hình là VCB. Cũng chính vì thế, điểm số VN-Index tăng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”, với số mã giảm điểm nhiều hơn số mã tăng điểm.
Dòng tiền giao dịch trên sàn HoSE trong 3 phiên gần nhất đã đột ngột sụt giảm mạnh, chỉ đạt bình quân phiên khoảng 20.938 tỉ đồng, trong khi thanh khoản bình quân phiên của 3 phiên liền trước đó đạt 29.084 tỉ đồng, tính ra mức sụt giảm lên đến 28%.
Chính vì thế, 3 phiên vừa qua chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng trở lại tổng cộng khoảng 55 điểm nhưng lại không đem đến nhiều niềm tin cho nhà đầu tư. Sự lo ngại dòng tiền bị “mất tích” thể hiện qua thanh khoản sụt giảm mạnh sẽ không đủ sức hỗ trợ và cầm nhịp cho đà hồi phục được tiếp tục.
Dòng tiền dường như đang giảm đều trên toàn thị trường và ở hầu hết các nhóm cổ phiếu gồm cả những nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao vốn dĩ trước đó từng là điểm đến nóng hổi của dòng tiền.
Nguyên nhân do đâu?
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên dòng tiền sụt giảm nhanh và mạnh trên thị trường. Lịch sử trên sàn HoSE đã không ít lần có diễn biến như vậy khi thị trường sau những đợt lao dốc và quay lại trạng thái hồi phục chưa rõ ràng, hoặc yếu. Khi đó, dấu hiệu đi ngang tích lũy ít cho thấy cơ hội lợi nhuận ngay cả đối với những nhà đầu tư lướt sóng, dẫn đến tâm lý ngại ngần chưa vội xuống tiền hoặc đứng ngoài quan sát chờ đợi thêm cho đến khi thị trường có tín hiệu rõ ràng hơn.
Tại thời điểm hiện nay, dòng tiền bị “mất tích” được một chuyên viên môi giới của sàn VNDirect lý giải là do nhiều nhà đầu tư không có giao dịch, trong đó một trong những nguyên nhân quan trọng là tình trạng margin (vay giao dịch thế chấp) chưa được cải thiện. Sau những phiên giảm sâu vừa qua, không ít nhà đầu tư phải bán ra để cân đối margin, hiện sức mua bằng 0 hoặc bị âm, cho nên không thể giao dịch mua vào dù nhiều cổ phiếu đã chiết khấu giá khá sâu.
Thêm nữa, tháng cuối năm tài chính 2021 nhìn chung các tổ chức, quỹ đầu tư (trong đó có khối ngoại) và cả những nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chốt lời để phân chia lợi nhuận, hoặc chốt tài sản và chuẩn bị vốn, danh mục cũng như các tính toán cho việc đầu tư năm 2022.
Các công ty chứng khoán tăng vốn trong thời gian qua nhưng vẫn không đáp ứng đủ cho nhu cầu vay margin của khách hàng, một phần do lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng không ngừng tăng, đẩy nhu cầu margin càng tăng cao.
VN-Index trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 10.12 đang bị thử thách trong vùng cản 1.465-1.470 điểm. Trường hợp nếu chỉ số bứt phá mạnh để thoát khỏi hẳn vùng này và thậm chí ngưỡng kháng cự 1.480 điểm được cho là sẽ có thể kích hoạt dòng tiền FOMO (tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội) chảy trở lại vào thị trường.
Theo Thế Lâm (Lao Động)