Ngày 7-12, thị trường chứng khoán trong nước hồi phục mạnh mẽ, VN-Index tăng tới 33,19 (+2,35%) điểm, đóng cửa cao nhất phiên tại 1.446,77 điểm. Các chỉ số khác của thị trường đều ghi nhận mức tăng hơn 2%. Cổ phiếu mang sắc xanh và tím chiếm áp đảo trên cả 3 sàn HoSE, HNX và UpCom. Điều này trái ngược hoàn toàn với đà lao dốc của thị trường trong 3 phiên liên tục trước đó khiến VN-Index mất hơn 70 điểm và tài sản tích góp của nhiều nhà đầu tư trong suốt tháng 11 và những tháng trước gần như bị "thổi bay" hoàn toàn.
Với một số nhà đầu tư mới tham gia thị trường hay còn gọi là nhà đầu tư F0, phiên hồi phục của thị trường ngày 7-12 dường như vẫn chưa đủ làm họ bớt hoang mang và lo lắng. Tâm lý lo sợ đã khiến họ mang cổ phiếu ra bán tháo, cắt lỗ trong những phiên thị trường lao dốc. Anh Sơn (ngụ quận Tân Bình, TP HCM) cho biết anh vừa mở tài khoản đầu tư vào giữa tháng 11 với số tiền 500 triệu đồng trích từ tài khoản tiết kiệm.
Do chưa có kinh nghiệm nên anh nghe theo bạn bè, nhân viên môi giới mua cổ phiếu chứ không hiểu nội tình doanh nghiệp và giá cả cổ phiếu cao thấp thế nào. "Khi thị trường đột ngột lao dốc, cổ phiếu từ lãi chuyển thành lỗ chỉ trong nháy mắt. Mới hai ngày mà tôi mất gần 100 triệu đồng, hoảng quá tôi bán đại vì sợ lỗ thêm. Vừa bán xong thì hôm sau thị trường hồi phục, tiền mất mà cổ phiếu cũng không còn. Giờ tôi thật sự đau lắm!" - ông Sơn than thở.
Những trường hợp nhà đầu tư F0 mất tiền sau những phiên lao dốc vừa qua không phải ít khi mà chỉ riêng tháng 11, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam ghi nhận tới 221.314 tài khoản được mở mới, gần gấp đôi so với những tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm 2021, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản). Trong đó, chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân.
Hầu hết những nhà đầu tư cá nhân thường chỉ mua bán cổ phiếu theo tin đồn, theo lời bạn bè, nhân viên môi giới và cả các chuyên gia trên… mạng xã hội. Nhiều người không hiểu các thuật ngữ trong giao dịch, không biết tên gọi của công ty hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gì vẫn lãi 2-3 lần nên họ rất "say máu", chấp nhận mua bán những cổ phiếu đã tăng giá gấp nhiều lần với kỳ vọng sẽ tiếp tục lãi cao.
Ví dụ như trường hợp cổ phiếu IDI. Cổ phiếu này tăng trần 14 phiên liên tục sau khi có hàng loạt thông tin bơm thổi triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Dù vậy, vẫn có hàng trăm nhà đầu tư cá nhân tin và đổ tiền vào mua, khi một lãnh đạo của công ty bất ngờ thông báo bán hết hàng triệu cổ phiếu đang nắm giữ, IDI đột ngột đảo chiều giảm kịch sàn nhiều phiên liên tục, nhà đầu tư nháo nhào bán tháo nhưng không có người mua. Đến thời điểm này, những người nắm cổ phiếu IDI chỉ biết kêu trời, số tiền tích góp ngày càng teo tóp.
Theo giám đốc môi giới một công ty chứng khoán, làn sóng nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường chứng khoán thời gian qua lấn át hoàn toàn những nhóm đầu tư khác. Phần lớn họ không rành phân tích tài chính cũng như chưa có kinh nghiệm nhưng may mắn tham gia lúc thị trường đang tăng trưởng mạnh nên cứ mua là thắng, cứ mua là lên giá, lãi cao nên họ chưa cảm nhận được thua lỗ khi thị trường điều chỉnh. Vì vậy, khi có bất cứ ai giới thiệu mã nào có lời thì họ tin "sái cổ"!
"Rất rủi ro khi nhà đầu tư cứ đổ tiền hoặc mua thêm vì thấy giá cổ phiếu tăng theo kiểu FOMO, tức sợ bỏ lỡ mất cơ hội, thậm chí sử dụng đòn bẩy tài chính (vay margin) với tỉ lệ rất cao. Đến khi thị trường hay cổ phiếu giảm sâu rất dễ đi đến hoảng loạn, bán tháo, thua lỗ nặng. Đó là bài học khá đắt cho nhà đầu tư khi không có kỷ luật mua bán" - vị chuyên gia này phân tích...
Là một chuyên gia gắn bó với thị trường chứng khoán nhiều năm qua, chuyên gia tài chính - chứng khoán Phan Dũng Khánh đánh giá "nhà đầu tư cá nhân thường ít tiền hơn các nhà đầu tư lớn và tỉ lệ đòn bẩy tài chính thường dùng "tẹt ga" nên chỉ cần rớt một vài phiên thôi là các nhà đầu tư nhỏ lẻ sợ hãi nhắn tin gọi điện liên tục tìm chỗ dựa tinh thần. Do đó, ai có lời rồi thì nên rút vốn...".
Theo Sơn Nhung (Nld.com.vn)