Tăng thuế môi trường với xăng: Chưa thể tác động ngay đến giá cước vận tải

21/09/2018 21:41:11

Chuyên gia kinh tế băn khoăn, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên kịch khung, nhưng xăng dầu không phải là mặt hàng gây ô nhiễm nhất.

Theo quy định hiện hành, mỗi lít xăng chịu thuế nhập khẩu 20%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, thuế môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%.

Tăng thuế môi trường với xăng: Chưa thể tác động ngay đến giá cước vận tải
Mức tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu từ 1/1/2019.

Chiều qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết tăng thuế bảo vệ môi trường với các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, thuế môi trường với xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên 4.000 đồng/lít, các loại dầu chịu thuế 2.000 đồng/lít từ năm 2019.

Khi thuế môi trường tăng lên mức 4.000 đồng, thì người tiêu dùng phải gánh thêm 1.000 đồng trên mỗi lít xăng, chưa kể khoản tăng thêm thuế VAT.

Theo Bộ Tài chính, tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng sẽ “động viên hợp lý đóng góp của xã hội vào Ngân sách Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, trong đó có nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường".

Theo tính toán, số thu từ dòng thuế này sẽ vào khoảng trên 55.000 tỷ đồng/năm, tăng khoảng 14.368 tỷ đồng/năm.

Theo ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, đối tượng nhằm tới của lần tăng thuế này chủ yếu là xăng dầu, mặt hàng rất nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến mọi mặt đời sống. Trong khi đó, đây không phải là mặt hàng gây ô nhiễm nhiều nhất.

"Việc điều chỉnh chính sách thuế phải rất thận trọng. Những phân tích về tác động của việc tăng thuế đến giá cả, CPI... của Bộ Tài chính chưa có cơ quan phản biện độc lập", chuyên gia băn khoăn.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu áp dụng từ năm sau. Như vậy năm nay, quy định này chưa tác động đến giá xăng dầu, cũng như CPI. Tuy vậy, ông Long đề nghị Bộ Tài chính cần xem xét tái cơ cấu cả thu và chi, "không nên chỉ chăm chăm vào tăng thuế trong khi thất thu từ nội địa, xuất nhập khẩu còn lớn, chi tiêu còn lãng phí".

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, một cán bộ Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) chuyên nghiên cứu về giá cước vận tải cho biết: Trong vòng 1 quý qua, cước vận tải khá ổn định. Vận tải đường bộ vẫn bình thường, giá hàng không và đường sắt có tăng vào giờ cao điểm.

"Khi có biến động về giá xăng dầu, Vụ sẽ có nghiên cứu tác động đến cước vận tải dựa trên các số liệu chi tiết thu thập được. Thông thường, phải 2 - 3 tháng mới có thể đánh giá tác động của giá xăng dầu đến giá vận tải", vị này cho hay.

Hiện nay, giá một lít xăng thương phẩm A95 bình quân trên thế giới khi chưa có thuế, phí đầu tháng 9 là 87,258 USD/thùng, tức 0,55 USD/lít (khoảng 12.650 đồng). Sau đó khi nhập về Việt Nam, xăng cộng thêm 20% thuế nhập khẩu là 2.530 đồng/lít; 10% thuế tiêu thụ đặc biệt là 1.265 đồng/lít và 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường (mức hiện tại). Sau khi cộng thêm chi phí của doanh nghiệp thì sẽ xác định mức bán ra và cộng thêm thuế VAT ở mức 10% giá bán ra.

Theo Hoàng Dương (Báo Tin Tức)

Nổi bật