Trong phiên giao dịch 9/12, cổ phiếu HAG của CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) lần đầu tiên tăng lên trên ngưỡng 10.000 đồng/cp sau gần 5 năm nằm dưới mốc này.
Cổ phiếu HAG tăng mạnh trong vòng gần 2 tháng qua, từ mức 5.000 đồng/cp lên trên mệnh giá. Cổ phiếu HAG tăng mạnh giúp vốn hóa doanh nghiệp này lên gần 9.500 tỷ đồng và tài sản của Bầu Đức tăng thêm 1,6 nghìn tỷ đồng lên gần 3,3 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù tăng mạnh nhưng giá cổ phiếu HAG vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trên 40.000 đồng/cp (giá điều chỉnh) hồi 2008-2009 khi mà Bầu Đức là người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Khi đó, ông Đức có khối tài tương ứng trong 2 năm đứng vị trí số 1 Việt Nam là 6,2 nghìn tỷ và 11,4 nghìn tỷ đồng.
HIện Bầu Đức vẫn nằm ngoài top 50, bằng chưa tới 1,4% so với người đứng đầu và khoảng 6% người đứng ở vị trí thứ 2.
Bầu Đức vừa trải qua một thập kỷ lao đao với khối tài sản sụt giảm, vị thế chìm dần.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức gần đây đẩy mạnh việc tái cơ cấu và rút dần khỏi đế chế nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) mà ông tâm huyết xây dựng trong cả thập kỷ qua.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nối tiếng trong nhiều lĩnh vực, từ gỗ, bất động sản, thủy điện, cao su, mía đường, bò, trái cây và giờ đây chuyển qua trồng cây và nuôi bò.
Phần lớn các tài sản doanh nghiệp của Bầu Đức ở mảng kinh doanh gần nhất là nông nghiệp được bán cho Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương sau khi Hoàng Anh Gia Lai và Thaco hợp tác chiến lược từ giữa năm 2018. Sau 10 năm chuyển từ bất động sản sang nhiều lĩnh vực rồi chốt lại ở nông nghiệp, Bầu Đức vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Trong năm 2021, doanh thu từ bán trái cây của HAGL tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Trong tương lai, hoạt động chăn nuôi hứa hẹn sẽ mang lại doanh thu lớn và tạo ra dòng tiền cho HAGL.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp của Bầu Đức cũng đang tiếp tục thực hiện tái cơ cấu tài chính và làm việc với các bên cho vay để thực hiện các biện pháp giãn nợ, giảm lãi suất. Vì vậy, HAGL xét đoán rằng sẽ có khả năng tiếp tục hoạt động bình thường và việc lập báo cáo tài chính trên cơ sở hoạt động liên tục và hợp lý.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, HAGL ghi nhận lãi sau thuế sau soát xét đạt 8,3 tỷ đồng trong 6 tháng, trong khi cùng kỳ lỗ 1.397 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với tại báo cáo tự lập trước đó, lãi sau thuế của HAG sụt giảm 55%.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 10/12
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng nhẹ lên trên ngưỡng ngưỡng 1.470 điểm. Cổ phiếu ngân hàng, trong đó có Vietcombank bứt phá.
Theo BSC, sau nửa buổi sáng 9/12 giao dịch trong sự dè chừng, bỗng nhiên thị trường tạo ra địa chấn và một thân nến xanh dài là điểm nhấn chọc thủng ngưỡng kháng cự lúc đó (đường MA9). Nhà đầu tư không cần gì khác ngoài một cây nến như vậy để vào vị thế, dòng tiền sau đó đổ vào thị trường khiến VN-Index đi một mạch lên và đóng cửa tăng 1% so với phiên 8/12. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với số mã tăng áp đảo số mã giảm. 17/19 ngành phủ màu xanh tươi mát, trong đó hai ngành ôtô và phụ tùng và dịch vụ tài chính có mức tăng ấn tượng, lần lượt hơn 4% và 3%. Trong những phiên tiếp theo, thị trường có khả năng vận động tích lũy trong vùng 1450-1470.
Theo MBS, nhịp hồi phục của thị trường đã xảy ra ở kịch bản thuận lợi, giảm trước tăng sau là diễn biến phù hợp để kiểm tra lượng hàng bắt đáy về tài khoản. Thanh khoản thị trường thậm chí còn giảm so với 2 phiên tăng trước đó cho thấy nhà đầu tư đang có kỳ vọng nhịp phục hồi còn kéo dài. Dù thanh khoản thấp nhưng dòng tiền lan tỏa tích cực hơn so với phiên 8/12 với hơn 300 mã tăng điểm, các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, dầu khí…. là động lực chính giúp thị trường duy trì đà tăng. Thị trường sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên cuối tuần.
Chốt phiên chiều 9/12, chỉ số VN-Index tăng 15,11 điểm lên 1.467,98 điểm. HNX-Index tăng 0,62% lên 452,53 điểm. Upcom-Index tăng 0,46% ên 111,8 điểm. Thanh khoản đạt 24,0 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn.
Theo V. Hà (VietNamNet)