Trong phiên giao dịch 15/11, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tiếp tục tăng trần với dư mua lớn và hàng chục triệu cổ phần được chuyển nhượng. Trong 10 phiên qua, HAG tăng trần 5 phiên (mỗi phiên tăng gần 7%) và 4 phiên tăng khá mạnh.
Cổ phiếu HAG tăng từ mức khoảng 5.000 đồng lên trên 8.150 đồng/cp, tương đương mức tăng khoảng 60%. Hiện cổ phiếu HAG ở mức cao nhất kể từ 2018 đến nay.
Ông Đoàn Nguyên Đức sở hữu trực tiếp 320 triệu cổ phiếu HAG với giá trị 2.500 tỷ đồng. Cú tăng giá thần tốc trong 2 tuần qua giúp Bầu Đức có thêm gần 1.000 tỷ đồng.
Con gái Bầu Đức - Đoàn Hoàng Anh mua 8 triệu cổ phiếu hồi tháng 8-9 vừa qua - đến nay cũng lãi khoảng 60%, tương đương số tiền bỏ túi vài chục tỷ đồng.
Cổ phiếu HAG tăng giá mạnh trong bối cảnh doanh nghiệp của Bầu Đức bắt đầu có lãi trở lại. HAGL báo lãi hơn 30 tỷ đồng, so với mức lỗ nghìn tỷ đồng trong cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù vậy, HAG ghi nhận doanh thu giảm, tài sản giảm và nợ phải trả vẫn còn lớn, ở mức trên 13 nghìn tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, hàng loạt cổ phiếu tăng giá mạnh, giúp túi tiền của các ông chủ tăng mạnh. Nhiều tỷ phú như ông Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đức Tài, Đặng Thành Tâm,... chứng kiến tài sản quy từ cổ phiếu tăng mạnh.
Trong hơn năm qua sự sôi động của TTCK đã thu hút dòng tiền nhãn rồi từ chính các doanh nghiệp đổ vào cổ phiếu trong bối cảnh lãi suất ngân hàng xuống thấp.
Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh gần đây đổ tiền vào một số cổ phiếu như Đô Thị Kinh Bắc (KBC), Vietinbank và Đất Xanh. Doanh nghiệp này cũng bỏ thêm cả trăm tỷ tăng sở hữu tại CTCP XNK Sa Giang (SGC).
Trong năm 2020, Thủy sản Vĩnh Hoàn đã thu lợi lớn khi đầu tư vào Hòa Phát (HPG) và Thế Giới Di Động (MWG).
Tập đoàn Sunhouse của Shark Nguyễn Xuân Phú cũng đàu tư 30% lợi nhuận vào cổ phiếu.
Ở chiều ngược lại, nhiều mã cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh sau một thời gian dài lên đỉnh. Điều này khiến nhiều đại gia chứng kiến tài sản giảm hoặc/và thua lỗ.
Thaiholdings của ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) gần đây chứng kiến tài khoản suy giảm và lỗ cả trăm tỷ khi đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng như LienVietPostBank, Sacombank, Vietinbank.
Trong quý III, Thaiholdings hạch toán thua lỗ hơn 120 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu.
Chỉ số chứng khoán VN-Index ngày 16/11
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường. Tuy nhiên, áp lực chốt lời tăng lên. Chỉ số VN-Index giảm từ đỉnh lịch sử nhưng vẫn ở trên ngưỡng 1.470 điểm.
Theo BSC, dòng tiền vẫn ủng hộ đà tăng trên thị trường. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng hơn 3 điểm trong phiên 15/11. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 12/19 ngành tăng điểm. Khối ngoại mua ròng trên sàn HSX và bán ròng trên HNX. Dòng tiền vẫn ủng hộ đà tăng của thị trường, trong ngắn hạn VN-Index có thể tiếp tục giữ xu hướng tích cực.
Còn theo MBS, thị trường tiếp tục đi lên mức cao mới nhờ dòng tiền vẫn cuồn cuộn chảy vào ở các nhịp rung lắc, trong khi nhóm midcap và smallcap vẫn duy trì đà tăng với nhiều mã đóng cửa ở mức giá trần thì nhóm VN30 cũng đang có chuyển biến tích cực, đặc biệt là thanh khoản tăng mạnh sau phiên tăng ở cuối tuần trước.
Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX phiên này đạt 32.738 tỷ đồng so với mức bình quân 29.180 tỷ đồng trong tuần trước. Dòng tiền có tín hiệu quay lai nhóm VN30 phiên thứ 3 liên tiếp đạt trên mức 10.000 tỷ đồng khớp lệnh.
Chốt phiên chiều 15/11, chỉ số VN-Index tăng 3,2 điểm lên 1.476,57 điểm. HNX-Index tăng 2,65 điểm lên 444,28 điểm. Upcom-Index tăng 1,08 điểm lên 111,746 điểm. Thanh khoản đạt 42,4 nghìn tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HOSE đạt hơn 34,0 nghìn tỷ đồng.
Theo V. Hà (VietNamNet)