Bộ Công Thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014. Sau khi dự thảo được đưa ra, nhiều chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ ý kiến, quan điểm của mình về dự thảo này.
Điện một giá không có ý nghĩa tiết kiệm điện
Theo dự thảo này, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt được Bộ Công Thương đề xuất hai phương án lựa chọn. Phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm bậc, phương án 2 gồm cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm bậc và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt năm bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.
Theo tính toán, giả sử một hộ gia đình dùng hết 99 kWh/tháng, như vậy tổng số tiền điện phải trả của tháng đó theo giá bán lẻ điện năm bậc của cả hai phương án là 166.000 đồng. Nếu tính theo phương án điện một giá thì tổng số tiền điện phải trả sẽ là 268.000 đồng (kịch bản 2A) hoặc 286.000 đồng (kịch bản 2B). Như vậy, với khách hàng dùng ít điện sẽ được giảm gần 100.000 đồng nếu chọn điện theo bậc thang.
Ngược lại, giả sử một hộ gia đình dùng hết 850 kWh/tháng thì tổng số tiền điện tháng đó phải trả theo phương án 1 là 2.262.000 đồng. Nếu tính theo giá điện bậc thang của phương án 2A thì tổng số tiền điện phải trả là 2.576.000 đồng và tính theo điện một giá là 2.298.000 đồng. Còn nếu tính theo phương án 2B thì tổng số tiền điện theo cách tính năm bậc là 2.310.000 đồng, tính theo điện một giá là 2.457.000 đồng.
Theo ông Ngô Văn Tuyển, chuyên gia về tài chính doanh nghiệp, nguồn điện trong những năm tới sẽ rất thiếu, nếu chúng ta không có chính sách hợp lý thì sẽ không đáp ứng đủ nguồn điện. “Mỗi năm nhu cầu sử dụng điện lại tăng khoảng 5%. Do đó, việc áp dụng giá bậc thang là cần thiết để khuyến khích tiết kiệm điện” - ông Tuyển nói.
Điện một giá 2.703 đồng là quá cao
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết đây là lần đầu tiên cơ quan soạn thảo đưa ra hai phương án để lựa chọn, là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, ông Long cho rằng phương án một giá điện, dự thảo đưa ra mức giá lên tới trên 2.703 đồng/kWh và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT) là mức giá quá cao. “Giá điện bình quân chỉ 1.864,44 đồng mà dự thảo tính với giá 2.703 đồng là quá cao. Việc tính giá như thế dựa trên căn cứ, cơ sở nào?” - ông Long đặt câu hỏi.
Ông Long cũng cho rằng hai phương án này đều có ưu điểm và nhược điểm, cần có sự xem xét, thẩm định cụ thể mới đưa ra được phương án nào tốt nhất. Nhưng quan điểm chung là phương án được chọn phải đảm bảo nhiệm vụ mà Chính phủ yêu cầu. Đó là có chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ cho người nghèo.
Việc chia biểu giá bán lẻ điện bình quân thành bậc thang là đúng vì Chính phủ yêu cầu khuyến khích người dân sử dụng tiết kiệm điện, nếu một bậc thì không khuyến khích. “Trong từng bậc phải tính toán giá như thế nào để đảm bảo lợi ích giữa người bán điện và người mua điện, phải đúng bằng giá bán điện bình quân thì mới chuẩn” - ông Long nói.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, thì đề nghị cơ quan soạn thảo lý giải vì sao giá điện một giá lại cao hơn 145%-155% so với mức giá bán lẻ điện bình quân mà Chính phủ đã quy định.
Ông Thịnh cũng đặt vấn đề tại sao cơ quan giá của Chính phủ, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) không được tham gia việc định giá mà chỉ có Bộ Công Thương xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. “Trong dự thảo này, vai trò của Bộ Tài chính rất mờ nhạt, chỉ phối hợp xây dựng cơ chế giá điện khuyến khích để áp dụng thí điểm cho khách hàng tham gia vào chương trình quản lý nhu cầu điện và tính toán tiền hỗ trợ hằng năm cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Trong khi đó Cục Quản lý giá chính là cơ quan quản lý giá của Nhà nước, Chính phủ” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho rằng việc xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện phải do Cục Giá xác định, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công Thương để làm rõ chi phí đầu ra, đầu vào, các chi phí định mức, các vấn đề khác...
Chia giá bán lẻ điện làm năm bậc chưa hợp lý
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng phương án chia giá bán lẻ điện làm năm bậc có vấn đề chưa hợp lý. Đó là trong năm bậc này, chỉ có bậc 1 là có giá bán lẻ điện thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân. Các bậc còn lại đều có giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân, thậm chí cao gấp đôi, gấp ba lần.
“Tôi muốn hỏi Bộ Công Thương tại sao lại có giá bán lẻ điện ở mức cao hơn nhiều so với mức giá bán lẻ điện bình quân. Đơn cử ở bậc 5 trong phương án 1 của dự thảo, giá bán lẻ điện cao đến 274%, cao gấp gần ba lần. Như thế giá bán lẻ điện bình quân ở đây có ý nghĩa gì?” - ông Thịnh đặt câu hỏi.
Ông Thịnh cho rằng hiện đã có giá bán lẻ điện bình quân thì phải dựa vào giá bán lẻ điện bình quân để có căn cứ định giá cho hợp lý. “Mức giá bán lẻ điện có thể cao hơn, thấp hơn nhưng tính bình quân lại phải bằng dưới giá bán lẻ điện bình quân. Dự thảo chia làm năm bậc nhưng chỉ có một bậc với 100 kWh là giá bằng 90% giá bán lẻ điện bình quân, còn lại đều cao hơn, thậm chí cao gần ba lần so với mức giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ. Vậy phần chênh lệch đó đi đâu?” - ông Thịnh nêu ý kiến.
Theo An Hiền (Pháp Luật TPHCM)