Tính đến tháng 5/2018, cả nước có 68 dự án giao thông đường bộ theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) với tổng mức đầu tư hơn 200.000 tỷ đồng.
Tại hội thảo “BOT - Từ góc nhìn đa chiều” diễn ra chiều 17/10, các chuyên gia thẳng thắn nhìn nhận bên cạnh nhiều dự án BOT được khai thác và vận hành hiệu quả thời gian qua thì vẫn còn một số công trình gây bức xúc trong nhân dân như BOT Cai Lậy (Tiền Giang), BOT Bến Thủy (Nghệ An)...
Nguyên nhân của những bức xúc này là dự án BOT được xây dựng trên con đường độc đạo, có dự án chỉ sửa chữa mặt đường rồi dựng trạm để thu phí.
Cho rằng BOT là một chủ trương đúng, giúp hoàn thiện hệ thống giao thông, mang lại nhiều lợi ích về kinh tế, phát triển đất nước nhưng các chuyên gia cũng lưu ý việc tiến hành xây dựng các dự án cần phải thật thận trọng và cân nhắc nhiều yếu tố.
Chủ trương đúng nhưng...
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Đinh Thế Hiển, các dự án giao thông đường bộ được đầu tư theo hình thức BOT rất phù hợp với các nước đang phát triển.
Ông Hiển cho hay: Trong BOT, rất cần thiết có các công ty chuyên về vốn, chuyên về tổ chức thực hiện theo quy hoạch Nhà nước. Sau khi xây dựng, họ vận hành một thời gian để bù đắp cho chủ đầu tư, sau khi hoàn vốn sẽ chuyển giao cho Nhà nước, đi vào phục vụ.
Chuyên gia dẫn chứng mô hình BOT đã phát triển và thành công tại nhiều nơi trên thế giới, từ Bắc Mỹ, châu Âu cho đến Đông Nam Á, điển hình thành công nhất là Đài Loan và Thái Lan.
Tuy nhiên, cũng có một số gặp thất bại như tại Mexico, do phát triển rầm rộ 50 dự án BOT cùng lúc, không đánh giá nghiêm túc và chọn đúng chủ đầu tư nên Mexico phải “ôm” nợ 8 tỷ USD cho phần lớn dự án không thành công.
Tại Việt Nam, ông Hiển đánh giá cao các dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Long Thành - Dầu Giây. Chuyên gia cho rằng việc chọn đúng các dự án để triển khai mang lại hiệu quả và sự đồng thuận rất lớn, đồng thời, BOT giúp các dự án được đẩy nhanh tiến độ.
“Là mô hình thích hợp cho các nước đang phát triển nhưng việc thực hiện cũng phải thật chuyên nghiệp, từ lập dự án, điều hành dự án. Nếu không nghiêm túc hoặc chọn một đơn vị thực hiện không có chuyên môn sẽ gây gánh nặng cho quốc gia, mà người dân là đối tượng bị tác động trực tiếp”, ông Hiển cho hay.
Liên hệ điểm nóng BOT Cai Lậy (Tiền Giang) khiến dư luận xôn xao vào cuối năm ngoái, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhấn mạnh phải có vấn đề vướng mắc thì người dân mới phản đối.
Hài hòa lợi ích
Về những tồn đọng và vướng mắc của một số dự án BOT, Thứ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật nhìn nhận do những bất cập về quy định pháp luật. Ngoài ra, các cơ quan quản lý Nhà nước, trước mắt là Bộ GTVT chưa có đầy đủ kinh nghiệm, thấu đáo hết các vấn đề nên khi đưa vào sử dụng gặp phải những bất cập.
“Một số địa phương cho rằng BOT thực hiện trong tỉnh nên chỉ khảo sát ý kiến người dân trên địa bàn. Do không khảo sát kỹ dẫn đến tính đồng thuận xã hội không cao. Chẳng hạn BOT Cai Lậy tại Tiền Giang nhưng phạm vi ảnh hưởng là toàn bộ khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long với 13 tỉnh, thành phố”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Đồng quan điểm này, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng ban Dân nguyện Quốc hội, cũng cho rằng một số dự án bị phản đối vì vị trí đặt trạm không hợp lý, dự án chỉ xem xét vấn đề của những người trực tiếp tác động tại địa phương nhưng không nhìn xa hơn.
Ông cũng lưu ý về sự cân đối lợi ích giữa người dân và chủ đầu tư BOT thông qua các dự án được đưa vào vận hành. Tuy nhiên, theo ông Nhưỡng, dù có sự biến thiên tuân theo quy luật thị trường, lợi ích của nhà đầu tư vẫn phải được ưu tiên hơn.
Giải thích về điều này, ông Nhưỡng cho rằng nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro trong việc thi công dự án, vì quyền lợi của người dân, cộng đồng và xã hội. Việc sử dụng các dự án giao thông BOT giúp khấu hao tài sản, vì vậy, việc bỏ phí để đi là phù hợp. Ông cho rằng hành động dùng tiền lẻ để qua các trạm nên cần xem xét.
Trong mối quan hệ này, Nhà nước chỉ đứng vị trí thứ ba với các lợi ích vô hình từ việc thu thuế và thúc đẩy kinh tế.
Cân nhắc rủi ro chi phí với các dự án BOT
Thời gian qua sự tồn tại của những công trình BOT chưa hiệu quả là những bài học giúp Chính phủ hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan, ông Trần Việt Dũng, Chánh văn phòng PPP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nêu quan điểm.
Theo ông Dũng, các dự án dài hạn luôn tồn tại nhiều rủi ro không thể biết trước. Vì vậy, trong quá trình lập và thẩm định dự án cần có cái nhìn đa chiều từ người dân, cơ quan quản lý lẫn chính sách về tín dụng. Trong đó, kịch bản xây dựng dự án phải cân nhắc để tránh các rủi ro về chi phí phát sinh.
Góp ý với tư cách nhà thầu, ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Đèo cả - Khánh Hòa, Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, cho biết để một dự án BOT thành công thì nguồn lực tài chính của nhà đầu tư phải mạnh, đội ngũ kỹ thuật chuyên nghiệp, chuyên gia nhiều kinh nghiệm thì mới có thể đảm bảo tiến độ, hiệu quả và chất lượng dự án.
“Nhà đầu tư rất cần sự ủng hộ của chính quyền địa phương, nhất là trong việc giải phóng mặt bằng, tháo gỡ khiếu kiện của người dân. Đồng thời, một yếu tố rất quan trọng là chi phí bỏ ra và mức vé phải phù hợp”, ông Tự nói.
Dưới góc nhìn chuyên gia kinh tế tài chính, TS Đinh Thế Hiển cho rằng biết chính xác tính chất và chọn đúng dự án thì việc xây dựng công trình BOT giao thông đường bộ sẽ thành công.
“BOT nếu làm đúng, chọn đúng những dự án cần thiết phải làm thì sẽ đem lại hiệu quả rất lớn, người dân sẽ lựa chọn sử dụng. Nếu chọn đúng thì đã thành công rồi, còn trong quá trình thực hiện có sai sót thì sẽ sửa sẽ giúp chúng ta ngày càng chuyên nghiệp hơn”, ông Hiển khẳng định.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)