Sáng 17/4, trả lời Zing.vn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ đang chờ quyết định của Thủ tướng về phương án xử lý bất cập tại dự án BOT quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang).
“Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ BOT Cai Lậy khi có quyết định của Thủ tướng”, Thứ trưởng Nhật nói.
Vị này khẳng định các phương án Bộ trình Thủ tướng đã được cơ quan chuyên môn phân tích ưu và nhược điểm. Bộ cũng nghe ý kiến tham vấn của một đơn vị tư vấn độc lập. Năm phương án đều có ưu, nhược điểm, nhưng Bộ kiến nghị Thủ tướng chọn phương án tối ưu nhất.
“Quyết định phương án cho BOT Cai Lậy sẽ được Thủ tướng xem xét thận trọng, tránh ảnh hưởng đến các dự án BOT khác và môi trường đầu tư. Đặc biệt là việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam sắp tới. Đây là một trong những dự án quan trọng của quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Phương án nào tối ưu?
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Hợp tác công tư (PPP- Bộ GTVT), khẳng định các phương án Bộ đưa ra đã được nghiên cứu kỹ lưỡng.
Vụ trưởng Vụ PPP cho biết khi kiến nghị Thủ tướng chọn phương án 1, giữ nguyên trạm BOT hiện hữu, giảm phí xuống 15.000 đồng/lượt (xe 4 chỗ), Bộ căn cứ vào rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là hợp đồng giữa Nhà nước và nhà đầu tư khi ký hợp đồng dự án. Hợp đồng xác định rõ vị trí đặt trạm và vị trí này được thống nhất giữa Bộ, địa phương và chủ đầu tư.
Thứ hai, phương án được lựa chọn phải cân đối được lợi ích xã hội, Nhà nước và chủ đầu tư. Bộ cũng căn cứ vào kết luận về BOT Cai Lậy của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Bộ GTVT khi đề xuất 5 phương án.
Ông Huy cho rằng Nhà nước không có tiền mua lại trạm BOT Cai Lậy. Nếu mua lại BOT Cai Lậy sẽ phải bố trí ngân sách trả nhà đầu tư 1.250 tỷ trong năm 2019. Còn nếu trả trong 7 năm là hơn 2.000 tỷ đồng.
“5 phương án chúng tôi đều nêu rõ ưu, nhược điểm. Nhưng phương án 1 là tối ưu nhất. Mức phí 15.000 đồng/lượt là thấp nhất trên quốc lộ 1”, ông Huy nhấn mạnh.
Ông Huy thông tin thêm mỗi ngày có 29.000 xe qua trạm. Con số này cao hơn 3.000 so với lượng xe ngày lập dự án.
Nhiều quan ngại
Phương án 2, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng đề xuất lập thêm một trạm thu phí trên tuyến tránh, cùng lúc thu phí 2 trạm. Trạm trên tuyến tránh thu phí 25.000 đồng/lượt, trạm quốc lộ 1 thu 15.000 đồng/lượt đối với xe 4 chỗ.
Với phương án này, Bộ cho rằng sẽ phát sinh kinh phí đầu tư xây dựng trạm BOT mới khoảng 90 tỷ đồng. Chi phí này kéo dài thời gian thu giá. Hơn nữa, các phương tiện sẽ tập trung đi vào quốc lộ 1 gây ùn tắc, ô nhiễm môi trường tại thị xã Cai Lậy. Hệ lụy từ BOT Cai Lậy có thể lan rộng đến các dự án tương tự.
Về phương án 3, giữ nguyên trạm, giảm phí xuống 25.000 đồng/lượt xe 4 chỗ. Thời gian thu phí trong 7 năm 7 tháng. Bởi phương án này đã áp dụng nhưng bị người dân phản đối.
Với phương án 4, chỉ đặt trạm thu phí trên tuyến tránh 3 tháng và phân luồng cho xe đi vào tuyến tránh. Bộ GTVT lo ngại vấp phải ý kiến phản đối của dư luận. Người dân sẽ phản ứng vì các cơ quan chức năng ép đi vào tuyến tránh có thu phí. Bên cạnh đó, quốc lộ 1 đi qua thị xã Cai Lậy chắc chắn ùn tắc.
Nếu không tiến hành phân luồng, chắc chắn phương án tài chính của dự án sẽ “đổ vỡ”. Theo khảo sát của Tổng cục Đường bộ vào tháng 10/2017, chỉ có 3.800 xe các loại đi trên tuyến tránh. Khi đó, Nhà nước sẽ bố trí ngân sách hỗ trợ 1.250 tỷ đồng vào năm 2019 cho chủ đầu tư.
Phương án 5 Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng là xóa bỏ trạm BOT Cai Lậy. Theo đó, Bộ đàm phán với nhà đầu tư chuyển đổi hình thức hợp đồng từ BOT sang BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao). Nhà nước sẽ bố trí ngân sách trả chủ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng trong 7 năm 7 tháng.
Với phương án này, giải quyết triệt để phản ứng của một bộ phận tài xế, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, chi phí đi lại của người dân. Nhưng trong khi ngân sách khó khăn, việc bố trí hơn 2.000 tỷ đồng là điều vô cùng nạn giải. Bộ GTVT lo ngại phương án này sẽ ảnh hưởng đến 5 dự án có đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh, thu giá trên tuyến chính.
“Nếu lựa chọn phương án 5, tính toán sơ bộ, Nhà nước phải bố trí khoảng gần 12.000 tỷ đồng để xử lý 5 trạm thu phí khác tương tự”, ông Huy nói.
Trạm BOT Cai Lậy thu phí để hoàn vốn cho dự án cải tạo, tăng cường mặt đường 26,4 km quốc lộ 1 qua Tiền Giang, sửa chữa 14 cầu kết hợp xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12,1 km, với tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. Dự án do Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang làm chủ đầu tư.
Từ 1/8/2017, BOT Cai Lậy chính thức thu phí nhưng liên tục ùn tắc vì lái xe phản đối.
Ngày 4/12, Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí một tháng và giao Bộ GTVT đánh giá toàn diện và đề xuất phương án xử lý, kết hợp với tỉnh Tiền Giang xử lý cụ thể trên tinh thần hợp lý, hợp lòng dân.
Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện có 88 trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ. Bộ GTVT quản lý 73 trạm, UBND tỉnh quản lý 15 trạm.
Hiện có 6 trạm đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho 6 dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh. Cụ thể là trạm Nam Cầu Giẽ, trạm Bến Thủy, trạm Quán Hàu, trạm Trảng Bom, trạm tuyến tránh TP Sóc Trăng, trạm Cai Lậy.
Theo Văn Chương (Tri Thức Trực Tuyến)