Sau 22 năm quy hoạch, 'đất vàng' Thủ Thiêm đã đầu tư những gì?

04/05/2018 16:24:09

Những siêu dự án hàng tỷ USD liên tục được nhắc đến trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, nhưng đã 20 năm từ khi phê duyệt đầu tư đến nay, khu đô thị này vẫn chưa thể thành hình.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 1996 nằm ở bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), đối diện trung tâm quận 1 qua bờ sông Sài Gòn, có tổng diện tích 657 ha. Thủ Thiêm "mới" được kỳ vọng trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế.

Để xây dựng Thủ Thiêm, TP.HCM phải mất 10 năm để giải tỏa trắng gần như toàn bộ bán đảo với khoảng 15.000 hộ dân đã di dời. Thành phố cũng đã huy động gần 30.000 tỷ đồng để chi trả bồi thường, tái định cư.

Nhưng sau 20 năm, đô thị mới Thủ Thiêm chỉ có khu tái định cư Bình Khánh hoàn thiện cùng với đô thị Sala đang dần thành hình. Các dự án tỷ đô khác vẫn chỉ nhắc trên văn bản.

Sau 22 năm quy hoạch, 'đất vàng' Thủ Thiêm đã đầu tư những gì?
Các tuyến đường chính được Đại Quang Minh đầu tư theo hình thức BT tại Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.

Sala với những công trình khủng ở trung tâm Thủ Thiêm

Khu đô thị Sala được manh nha sau cú bắt tay thành lập Công ty Địa ốc Đại Quang Minh của 2 doanh nhân nổi tiếng, là ông chủ ôtô Trường Hải Trần Bá Dương và ông Trần Đăng Khoa (Khoa "Keangnam"), chủ một công ty địa ốc ở Hà Nội. Thời điểm thành lập, Đai Quang Minh có vốn điều lệ 4.200 tỷ đồng (ông Trần Đăng Khoa nắm 17,5%, Trường Hải 45% và Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Linh 37,5%).

Cuối 2014, bộ khung 160 ha của Sala định hình, sau khi chủ đầu tư bỏ ra 8.265 tỷ đồng đầu tư 4 tuyến đường tại Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT.

Hiện nay, đô thị ở vị trí trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm này đang đầu tư và dần hoàn thiện, đưa vào sử dụng các tổ hợp biệt thự, nhà phố thương mại và căn hộ cao cấp, công viên, bệnh viện, trường học...

Năm 2016, Đại Quang Minh cũng trình UBND TP.HCM đồ án Quy hoạch để xây dựng quảng trường trung tâm và công viên bờ sông. Quảng trường có diện tích 20,72 ha được quy hoạch thành không gian công cộng có chiều dài khoảng 700 m, chiều rộng 80-200 m.

Sau khi hoàn thành, quảng trường sẽ kết nối với trung tâm TP.HCM hiện hữu qua cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn đến Công trường Mê Linh (quận 1).

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 mới đây, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Đại Quang Minh, cho biết đô thi Sala hiện đã hoàn thành giai đoạn 1; hoàn thành 4 tuyến đường chính đưa vào sử dụng tháng 2/2017. Chủ đầu tư này đang triển khai đường dẫn phía quận 2; đường dẫn phía quận 1 và trụ chính dây văng ở giữa sông Sài Gòn của cầu Thủ Thiêm 2; chuẩn bị hoàn khởi công Quảng trường...

Sau 22 năm quy hoạch, 'đất vàng' Thủ Thiêm đã đầu tư những gì? - 1
Đại lộ Mai Chí Thọ, tuyến đường xương sống chia đôi khu đô thị Thủ Thiêm đã khai thác nhiều năm nay. Ảnh: Lê Quân.

Khu tái định cư thiếu người ở

Theo quy hoạch 1/2.000 được duyệt, khu trung tâm hành chính, thương mại, tài chính mới của cả TP.HCM sẽ được khởi dựng trên địa bàn các phường An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần các phường Bình An, Bình Khánh, nằm trong lõi của Thủ Thiêm.

Cái khó đầu tiên là câu chuyện bố trí tái định cư cho người dân sau khi TP.HCM hoàn tất giải phóng mặt bằng, giải tỏa bồi thường.

Toàn cảnh khu đô thị Thủ Thiêm nhìn từ trên cao. Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, TP HCM) hiện đang có diện mạo mới với nhiều công trình giao thông, nhà cao tầng, biệt thự mọc lên trong những năm gần đây.

Theo kế hoạch, TP.HCM phải xây dựng 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư. Hiện toàn bộ khu tái định cư Bình Khánh nằm phía Đông của Khu đô thị Thủ Thiêm đã hoàn thiện nhưng hơn 5.500 căn hộ chưa có người ở.

Cuối năm 2017, TP.HCM chấp thuận chủ trương chia nhỏ và bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với 3.790 căn hộ tại khu tái định cư này.

Những dự án tỷ đô vẫn còn là kế hoạch

Cuối tháng 12/2017, Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) và đối tác ngoại là Hongkong Land cùng hợp tác phát triển dự án Tổ hợp căn hộ cao cấp trên quỹ đất được giao, theo hình thức ổn định lâu dài và cho thuê trong 50 năm. Dự án có quy mô 3,5 ha, nằm ở vị trí giao lộ giữa cầu Thủ Thiêm hiện hữu với Đại lộ Vòng Cung (1 trong 4 tuyến đường chính theo quy hoạch của khu đô thị mới Thủ Thiêm), vốn đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD.

Sau 22 năm quy hoạch, 'đất vàng' Thủ Thiêm đã đầu tư những gì? - 2
Khu tái định cư Bình Khánh đã hoàn thiện nhưng hoang vắng tại Khu đô thị Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.

Theo kế hoạch, phải cuối 9 tới, chủ đầu tư sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý để có thể triển khai xây dựng. Dự án bắt đầu được đăng ký giữ chỗ từ khoảng ngày 1/10, và dự kiến hoàn thành tháng 12/2021.

Một nhóm đầu tư đến từ Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) và các đối tác Nhật là Mitsubishi và Toshiba cũng đã được cấp phép đầu tư khu chức năng 2a với tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ USD. Liên doanh nhà đầu tư này thậm chí đã chấp nhận ký quỹ và đóng gần 2.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, để được giao trước 6 lô đất tại Thủ Thiêm và sớm triển khai dự án.

Đại diện Lotte cho biết đã theo đuổi dự án từ 7 năm trước, cùng thời điểm triển khai Lotte Center ở Hà Nội và đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để có thể khởi công vào đầu tháng 9 tới.

Một siêu dự án khác với vốn đầu tư 4 tỷ USD mà nhóm nhà đầu tư Mỹ đề xuất với TP.HCM vào năm 2016, cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhưng vẫn đang chờ tính pháp lý.

Dự án này được đề xuất bởi 3 doanh nghiệp Mỹ, bao gồm Steelman Partners, Cantor Fitzgerald (tổ chức tài chính, đầu tư, cung cấp các dịch vụ tài chính, hiện diện tại hơn 30 thị trường lớn trên thế giới), Weidner Resorts (thuộc Weidner Holdings, phát triển và quản lý nhiều khách sạn, khu phức hợp nghỉ dưỡng 5 sao ở Mỹ, châu Á…) và Tập đoàn IPP của ông Johnathan Hạnh Nguyễn.

Theo hồ sơ dự án, đây sẽ là khu phức hợp nằm trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quy mô khoảng 11 ha với tổ hợp 70 tầng, có trên 10 hạng mục trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp, khu bán lẻ, khu vui chơi giải trí, nhà hát opera… Riêng với tòa tháp văn phòng được kỳ vọng sẽ là trung tâm tài chính - chứng khoán, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến làm việc.

Sau 22 năm quy hoạch, 'đất vàng' Thủ Thiêm đã đầu tư những gì? - 3
Sau 20 năm, mới chỉ một số ít dự án khởi động và thành hình ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Lê Quân.

Miếng bánh hấp dẫn, nhưng 20 năm còn loay hoay với đất

Thủ Thiêm đang ngày một có sức hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước. Sunshine Group Sunshine cũng đã đánh dấu sự có mặt của mình tại khu đất này, với Sky Garden quy mô 3.000 tỷ đồng tọa lạc tại khu 2A thuộc khu đô thị Thủ Thiêm, mặt tiền đường Mai Chí Thọ, quận 2, TP.HCM.

Đầu năm 2016, liên doanh Phát Đạt, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hạ tầng 620 - Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng 168 công bố đầu tư 5.200 tỷ đồng xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, đổi lại thành phố sẽ giao cho Phát Đạt 11 lô đất trị giá hơn 3.000 tỷ đồng tại Thủ Thiêm.

Tổng mức đầu tư dự án cầu Thủ Thiêm 4 khoảng 5.253 tỷ đồng. Theo UBND TP.HCM, về quỹ đất để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án này sẽ gồm 16 lô nhà đất "vàng" trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và các quận trung tâm thành phố.

Mới đây, TP.HCM cũng thông qua việc bán đấu giá 9 lô đất vàng ước tính khoảng 28.000 tỷ đồng trong phân khu số 1 vùng lõi khu đô thị, để tìm kiếm nhà đầu tư.

Như vậy, sau 20 năm phê duyệt quy hoạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn chưa định hình như kỳ vọng. Điều đáng chú ý là bản đồ quy hoạch 1/5000 của khu đô thị này bỗng vừa được công bố đã thất lạc, nên việc khiếu kiện cửa cư dân liên quan đến đền bù giải tỏa của dự án chưa thể xử lý dứt điểm, với hơn 60 vụ tính đến nay.

Phần lớn các hộ dân cho rằng đất của mình không nằm trong quy hoạch, đề nghị chính quyền cung cấp bản đồ đi kèm với Quyết định 367 để xác định ranh giới. Và TP.HCM không thể cung cấp được bản đồ này.

Sau 22 năm quy hoạch, 'đất vàng' Thủ Thiêm đã đầu tư những gì? - 4
Khu đô thị mới Thủ Thiêm đối diện trung tâm quận 1 qua bờ sông Sài Gòn vẫn chưa định hình sau 20 năm phê duyệt quy hoạch.

Theo Bình Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật