Bởi đây là dự án đặc biệt quan trọng của TP.HCM, đồng thời sau nhiều năm triển khai vẫn phát sinh những khiếu nại kéo dài liên quan đến bồi thường giải tỏa chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể, tại cuộc họp báo ngày 2.5, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5.000 thất lạc, các cơ quan, ban ngành TP đã cố gắng tìm nhưng đến giờ chưa tìm ra.
Bản đồ “thất lạc” là bản đồ nào ?
KTS Lê Văn Năm là Kiến trúc sư trưởng (KTST) TP.HCM giai đoạn từ 1996 - 2001. Đây là thời gian dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (sau đây gọi tắt là Thủ Thiêm) được quy hoạch trình Thủ tướng. Ông Năm cho biết ông chính là người chủ trì lập quy hoạch Thủ Thiêm. Khi đó, TP.HCM xác định vùng đất Thủ Thiêm rất quan trọng nên cân nhắc rất kỹ mọi yếu tố quy hoạch ranh giới. Trước khi lập quy hoạch, nhóm của ông đã phải điều tra cơ bản rất kỹ về vùng đất này, sau đó hoàn thành đồ án quy hoạch, hồ sơ cùng với bản đồ tỷ lệ 1/5.000 trình Thủ tướng năm 1996. Ông Năm cho biết theo quy định, KTST TP.HCM ký những đồ án quy hoạch được giao đều kèm theo bản đồ liên quan để minh họa và quy hoạch Thủ Thiêm cũng không nằm ngoài quy định đó. KTST TP sau khi hoàn tất dự thảo sẽ trình hồ sơ kèm theo bản đồ dự án lên UBND TP.HCM để nơi này trình lên Thủ tướng. Sau khi nhận được dự thảo quy hoạch, Văn phòng Chính phủ rà soát các mặt chuyên môn, thủ tục và lấy ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT... Cuối cùng Thủ tướng mới ký quyết định phê duyệt dự án.
“Sau khi Thủ tướng phê duyệt xong, theo tôi biết UBND TP.HCM là đơn vị hưởng thụ nên sẽ nhận quyết định chấp thuận quy hoạch kèm theo bản đồ gốc. Một bộ hồ sơ tương tự cũng sẽ được lưu trữ ở Văn phòng Chính phủ”, ông Năm nói và cho biết có một điều chắc chắn là từ lúc quy hoạch được phê duyệt đến lúc nghỉ hưu vào tháng 6.2001, ông không nghe chuyện bản đồ quy hoạch bị mất hay thất lạc.
Một lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM xác nhận hơn 20 năm trước TP.HCM có bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 về Thủ Thiêm do TP lập. Thời điểm đó bản đồ này được vẽ tay, chỉ có xác nhận của đơn vị đo vẽ, tư vấn, thẩm định. Tấm bản đồ được xem là đang “thất lạc” là bản đồ gốc quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định 367 của Thủ tướng ký ngày 4.6.1996. “Thường thì nhiều người cho rằng quyết định phê duyệt kèm theo bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 này, nhưng trên thực tế thì hồ sơ mà TP.HCM có lại không thấy, chỉ có Quyết định của Thủ tướng. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề không nằm ở tấm bản đồ đó. Bởi lẽ, tấm bản đồ đó, nếu có, cũng chỉ là phác thảo không gian quy hoạch chung. Mấu chốt vấn đề chính là nằm ở nội dung Quyết định 367 của Thủ tướng. Quyết định 367 không đề cập ranh quy hoạch cụ thể, không nêu là “có kèm theo bản đồ tỷ lệ 1/5.000”, vị này nói.
Lý giải về việc TP.HCM dựa vào đâu để triển khai quy hoạch, theo UBND TP.HCM, TP nhất quán dựa vào nội dung Quyết định 367. Quyết định 367 xác định quy mô diện tích Thủ Thiêm là 930 ha, đồng thời giao nhiệm vụ triển khai quy hoạch chi tiết cho UBND TP.HCM, Bộ Xây dựng thực hiện. Từ cơ sở pháp lý đó, TP.HCM triển khai quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000, trong đó có Quyết định 13585 của UBND TP.HCM vào năm 1998 để làm cơ sở thực hiện quy hoạch. “Đến thời điểm này, TP.HCM đã tìm ra bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 mà TP.HCM lập, nhưng chỉ là bản chụp rất nhỏ. Tuy nhiên, nếu có tìm ra (bản kích thước thật - NV) thì chiếu theo quy định cũng chỉ là để tham khảo thôi, còn đúng theo quy định pháp luật và đảm bảo cơ sở pháp lý thì vẫn phải tuân thủ quy hoạch chi tiết 1/2.000. Cũng cần phải nói cho rõ là các bản đồ liên quan đến quy hoạch chi tiết mà TP.HCM thực hiện kể từ sau khi Thủ tướng có Quyết định 367 phê duyệt quy hoạch Thủ Thiêm đều vẫn còn lưu giữ đầy đủ”, vị lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM cho biết.
Cần xem lại tính xác thực quy hoạch 1/2.000 và 1/500
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư VN, cho biết quy hoạch 1/5.000 là quy hoạch tổng thể, quy hoạch chung có vai trò định hướng phát triển. Trong đó, sẽ rõ ràng là mốc giới, địa giới của các phần đất dành để phát triển hạ tầng đường, cầu, cống, điện, trường học, khu dân cư, cây xanh, hồ nước... Trên cơ sở đó, mới phát triển các quy hoạch phân khu 1/2.000, rồi từ đó mới đến quy hoạch chi tiết 1/500. “Quy hoạch 1/5.000 là cơ sở pháp lý rất quan trọng, từ đó triển khai các quy hoạch phân khu, chi tiết. Đây cũng là cơ sở gốc để xác định mục tiêu phát triển, kêu gọi đầu tư cũng như vấn đề giải phóng mặt bằng, đền bù, di dân... Cần phải làm rõ mất bản quy hoạch 1/5.000 từ thời điểm nào? Đây là văn bản pháp lý mẹ, là cơ sở để từ đó TP.HCM mới ra được những văn bản khác liên quan đến việc phát triển Thủ Thiêm”, ông Tùng nói.
TS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên KTST TP.Hà Nội, thốt lên không thể có chuyện cơ quan chức năng làm mất được tài liệu gốc quan trọng như vậy. Với tính chất quan trọng như tài liệu là bản quy hoạch 1/5.000 của khu Thủ Thiêm, chắc chắn là có nhiều cơ quan nhà nước cùng lưu giữ. “Tôi từng làm KTST của TP.Hà Nội nên rất thấu hiểu việc này, không thể có chuyện mất bản quy hoạch 1/5.000 khu Thủ Thiêm. Tài liệu như vậy phải được sao lưu, lưu trữ nhiều bản, bằng bản cứng, băng, đĩa. Thậm chí, ngay trong Sở QH-KT cũng phải sao lưu thành nhiều bản”, ông Nghiêm nói.
Theo KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, làm quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 nếu không bám theo quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 thì ranh đất của dự án có thể thiếu hoặc thừa. Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, đặt nghi vấn: “Khi thông báo mất bản quy hoạch 1/5.000 khu Thủ Thiêm thì nhiều người có thể nghĩ tới có gì khuất tất trong việc hình thành quy hoạch 1/2.000 và 1/500 trên cơ sở bản quy hoạch gốc 1/5.000 hay không?” và cho rằng: “Bản quy hoạch “gốc” bị mất thì giá trị, tính xác thực của các bản quy hoạch “ngọn” là 1/2.000 và 1/500 của Thủ Thiêm cũng phải đặt nghi vấn, xem lại. Không thể cười xòa với nhau là mất rồi thì thôi. Bản quy hoạch 1/5.000 do Thủ tướng phê duyệt thì chắc chắn phải được lưu giữ tại Văn phòng Chính phủ và Bộ Xây dựng. Bởi vì, đối với những văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ liên quan đến quy hoạch, xây dựng thì chắc chắn Bộ Xây dựng phải là cơ quan trình”.
Theo một số chuyên gia, cần đề nghị cơ quan công an vào cuộc, làm rõ có đúng là mất tài liệu thật hay không? Nếu mất thật thì phải rõ trách nhiệm của ai? Xử lý thế nào? Còn nếu không mất bản quy hoạch 1/5.000 khu đô thị Thủ Thiêm thì phải làm rõ động cơ vì sao cán bộ nhà nước lại nói là mất?
Bộ Xây dựng nói gì ?
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ chiều qua (3.5), câu chuyện mất bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm 1/5.000 là vấn đề được nhiều báo quan tâm và đặt ra.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết, theo quy trình thì việc triển khai quy hoạch Thủ Thiêm trải qua 2 bước. Bước 1 là quy hoạch gắn với bản đồ 1/5.000 và sau đó là quy hoạch chi tiết gắn với bản đồ 1/2.000. Bước sau là để cụ thể hóa, chính xác hóa quy hoạch trước. Tuy nhiên, ông Hùng nhấn mạnh, ngay cả quy hoạch chung thì quy hoạch Thủ Thiêm cũng đã trải qua hai lần thực hiện. Lần đầu là năm 1996 và sau đó đã có quy hoạch điều chỉnh vào năm 2005. “Như vậy, ở Thủ Thiêm có rất nhiều bản đồ. Hiện nay, quá trình triển khai dự án, xác định ranh giới, thu hồi mặt bằng là theo quy hoạch chung điều chỉnh năm 2005. TP.HCM hôm nay đã trả lời là tất cả bản đồ cũng như hồ sơ pháp lý hiện có đầy đủ từ 2005, từ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, quy hoạch ranh giới... Việc triển khai dự án thu hồi đất, cắm mốc là đều thực hiện trên các quy hoạch này (quy hoạch năm 2005)”, ông Hùng phân tích và cho rằng từ thực tế này việc triển khai dự án hiện không bị ảnh hưởng. “Bản đồ thất lạc là bản đồ quy hoạch chung được phê duyệt năm 1996, cái này về pháp lý đã được xây dựng lại năm 2005. Tuy nhiên, việc thất lạc, trách nhiệm, gì thì đang xem xét, làm rõ”, ông Hùng nói thêm.
Sau họp báo, ông Hùng tiếp tục được báo chí vây quanh để làm rõ thêm câu chuyện này. Trước câu hỏi việc Trưởng ban Tiếp dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ) nói với báo giới rằng “tấm bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm làm gì có mà tìm”, ông Hùng nói rằng cá nhân ông cũng không thể khẳng định có "bản đồ năm 1996" hay không. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng, có thể có một số hộ dân đã được thực hiện thu hồi, giải phóng mặt bằng trước 2005 thì đương nhiên việc này phải dựa vào một bản quy hoạch trước. Dù vậy, ông nhấn mạnh rằng: “Hiện tại quan trọng là thực hiện quy hoạch khu đô thị theo bản đồ năm 2005”.
Chí Hiếu
Khó trả lời dân
Chiều 3.5, theo ghi nhận của PV, việc xây dựng hoàn thiện hạ tầng ở Thủ Thiêm đang gặp một số vướng mắc về mặt bằng khiến một số công trình dở dang tiến độ. Một số hộ dân còn bám trụ tại đây với nhà chỉ có vài tấm gỗ bao xung quanh che nắng mưa nhưng nhất định không di dời vì cho rằng đất của họ không nằm trong quy hoạch. Nói về vấn đề bản đồ gốc tỷ lệ 1/5.000 đang được cho là “thất lạc”, ông Trần Đình Chương, một hộ dân chưa di dời, cho rằng bản đồ chắc chắn không thể mất được. “Không có bản đồ 1/5.000 thì TP.HCM lấy cơ sở nào để đưa ra bản đồ chi tiết 1/2.000 và quản lý dự án toàn diện từ khâu duyệt chi tiết, bồi thường, giải tỏa?”, ông Chương nói.
Theo tìm hiểu của PV, triển khai thực hiện quy hoạch Thủ Thiêm, năm 2001 TP.HCM có quyết định thu hồi đất, bắt đầu giải tỏa quy mô lớn từ 2002 - 2003. Đến nay có gần 15.000 hồ sơ đền bù, giải tỏa được giải quyết, tỷ lệ đạt gần 100%. Tuy nhiên, theo Văn phòng UBND TP.HCM, hiện còn mấy chục trường hợp có phát sinh khiếu nại kéo dài, liên quan đến ranh quy hoạch và tính pháp lý về nhà đất thuộc diện giải tỏa. Liên quan đến những vấn đề này, UBND TP.HCM đang tập trung rà soát báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.
Trong khi đó, trao đổi với PV chiều qua, ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban Tiếp công dân T.Ư (Thanh tra Chính phủ), cho rằng UBND TP.HCM cần phải trả lời thật với dân trong việc để thất lạc bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 kèm theo Quyết định số 367/1996 của Thủ tướng Chính phủ. “Nói không có thì nói hẳn là không có đi cho xong. Nếu mất bản đồ quy hoạch thì chỉ một đến hai nơi mất, chứ chúng tôi tìm cả ở Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng thì cũng đều không có”, ông Điệp nói và cho biết trong quá trình giải quyết khiếu nại của dân đã liên lạc với rất nhiều cơ quan T.Ư để tìm bản quy hoạch này nhưng không cơ quan nào có.
Theo ông Nguyễn Hồng Điệp, cho đến nay đang có khoảng hơn 100 hộ dân Thủ Thiêm khiếu nại về việc thu hồi đất nhưng không thể hiện ranh trong quy hoạch. “Những khiếu nại này đã xảy ra cách đây từ rất lâu, địa phương không giải quyết nên người dân ra T.Ư. Từ khiếu nại, họ đã bắt đầu chuyển sang tố cáo rất gay gắt”, ông Nguyễn Hồng Điệp cho hay.
Liên quan đến những khiếu nại của người dân Thủ Thiêm, trước đó, Ban Tiếp dân T.Ư đã có đề xuất Thanh tra Chính phủ lập đoàn kiểm tra nhưng thời điểm đó, Thanh tra Chính phủ đang tiến hành cuộc thanh tra về việc quản lý đất đai, dự án trên địa bàn theo kế hoạch, nên đề xuất này chưa được Tổng thanh tra Chính phủ chấp thuận. Cũng theo ông Điệp, cho đến nay, việc thanh tra đã kết thúc nhưng chưa ban hành kết luận và trong thời gian này người dân tiếp tục khiếu nại, tố cáo gây sức ép rất lớn tới Ban Tiếp công dân T.Ư. “Tôi không rõ kết luận của Thanh tra Chính phủ tới đây sẽ ở mức như thế nào, có làm thỏa mãn được người dân hay không. Song những diễn biến như hiện nay thì khiến chúng tôi cảm thấy rất khó trả lời được người dân”, ông Điệp nói.
Thanh Niên
Theo Thanh Niên (Thanh Niên Online