Chiều 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền rà soát các dự án luật, văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng chịu trách nhiệm phê duyệt và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.
"Chính phủ cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng và phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại và xây dựng các biện pháp phòng ngừa và xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP", Nghị quyết của Quốc hội nêu.
Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn CPTPP, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, hồ sơ trình và báo cáo thuyết minh của Chính phủ đã đánh giá tác động của Hiệp định CPTPP "toàn diện về chính trị, an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, kinh tế, xã hội".
Trước ý kiến cho rằng cần trưng cầu ý dân về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP, cơ quan thường trực Quốc hội nêu quan điểm, theo Luật Trưng cầu ý dân năm 2015, việc trưng cầu chỉ do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định.
Theo ông Giàu, có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình cụ thể hơn về vấn đề cho phép thành lập tổ chức của người lao động, bảo đảm được vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời có biện pháp ứng phó thách thức đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong tình hình mới khi có sự xuất hiện các tổ chức của người lao động khác.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng các ý kiến này là xác đáng. Theo báo cáo của Chính phủ, Hiệp định CPTPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động đã được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Các quốc gia thành viên CPTPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi, trong đó có việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.
"Việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có thể tạo ra một số thách thức đồng thời cũng là cơ hội, động lực cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động công đoàn trong điều kiện mới của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng", Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại nêu.
Về khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Hiệp định CPTPP, ông Giàu cho biết, đa số đại biểu nhất trí về đề nghị áp dụng trực tiếp 15 cam kết/nhóm cam kết hiệp định này và bản thuyết minh của Chính phủ cũng "bảo đảm đủ rõ và chi tiết để áp dụng trực tiếp theo quy định của Luật Điều ước quốc tế".
Trước đó, ngày 2/11, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình Quốc hội việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Theo tờ trình, CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP.
Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng cho hay việc tham gia và sớm phê chuẩn Hiệp định CPTPP giúp nước ta thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.
Thảo luận tại hội trường sau đó 3 ngày, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia CPTPP như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển...
CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là các vấn đề như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...
Hiệp định CPTPP gồm 7 điều, 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập CPTPP.
Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, trong đó 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 liên quan tới mua sắm Chính phủ và 7 liên quan tới quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hoá và chống tham nhũng...
Theo Anh Minh (VnExpress.net)