Thảo luận ở tổ về phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sáng 2/11, nhiều ý kiến khẳng định, Việt Nam có cơ hội lớn dù CPTPP không còn Mỹ. Ông Trần Hoàng Ngân ví dụ, Việt Nam được tiếp cận tài chính thương mại toàn cầu, đẩy nhanh hội nhập quốc tế, thúc đẩy quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, mở ra thị trường mới rộng hơn với khoảng 500 triệu dân.
Ông dẫn số liệu năm 2017 cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu của 11 quốc gia này là 10.000 tỷ USD, Việt Nam xuất khẩu 34,2 tỷ USD, nhập khẩu 33,9 tỷ USD (tức xuất siêu 0,3 tỷ USD). So với quy mô đó, Việt Nam mới chiếm 0,68%. "Dư địa đưa hàng Việt Nam vào các thị trường này rất lớn, song đây cũng là thị trường rất kén sản phẩm", ông Ngân nhận xét.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM thì quan tâm đến vấn đề nông nghiệp. Ông nhấn mạnh, nông nghiệp phải được hỗ trợ bởi khoa học công nghệ. "Phải sản xuất theo kiểu lớn, có chuỗi cung ứng thì khoa học công nghệ mới vào được. Chính phủ phải chuẩn bị sớm không sẽ khó khăn cho người dân", ông nói.
Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP HCM cũng kiến nghị hoàn thiện luật pháp về sở hữu trí tuệ. "Tư duy quản trị phải 4.0, chứ cứ 2.0 thì khó thay đổi lắm. Mình phải tạo điều kiện để sự sáng tạo phát triển", ông nói và nhấn mạnh, năng lực thực thi của chính quyền và văn hoá của cộng đồng cũng phải được chuẩn bị vì khi ra sân chơi thế giới, các văn hoá phải thay đổi, không để thực trạng “chôm”, copy khi hội nhập.
Ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội cũng nhìn nhận thách thức lớn nhất với Việt Nam khi tham gia CPTPP là trình độ phát triển.
Với trình độ phát triển, năng suất lao động thấp, chưa có sản xuất quy mô lớn, theo chuỗi và ứng dụng khoa học vào sản xuất chưa cao..., ông Dũng lo ngại sẽ trở thành thị trường tiêu thụ của các nước nếu Việt Nam không cố gắng, không vươn lên.
"Nhân tố quan trọng nhất để tránh việc này là đẩy nhanh ứng dụng khoa học, công nghệ để tăng năng suất lao động", ông nói và đề nghị sau khi Quốc hội thông qua, Chính phủ ngay lập tức cần có những giải pháp trước mắt, lâu dài làm rõ mặt được, chưa được và thách thức cũng như doanh nghiệp, người dân cần làm gì để có lợi thế nhất khi tham gia CPTPP.
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê thì băn khoăn các doanh nghiệp đã chuẩn bị chưa, nếu chưa sẵn sàng thì thách thức sẽ nhiều hơn cơ hội. Về mặt pháp luật, ông Khuê cho rằng cần có tổng rà soát để phù hợp với điều kiện mới. Hiện Việt Nam doanh nghiệp nhỏ và vừa khá nhiều. "Thị trường Việt Nam chuyển dịch lao động nhiều, sử dụng lao động trẻ em còn lớn. Đi vào CP TPP thì phải xem xét để điều chỉnh luật công đoàn, để không chỉ bảo vệ mà còn là tiếng nói quan trọng của đại diện người lao động", ông nói.
CTTPP gồm 11 quốc gia đều là những nước giàu, GDP bình quân đầu người là trên 30.000 USD, chỉ có Việt Nam GDP thấp nhất là 2.380 USD. Tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% - thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tốt tới cán cân thương mại.
Theo báo cáo của Chính phủ, gia nhập CPTPP, các sản phẩm về may mặc, giày da, thực phẩm sẽ có nhiều lợi thế, nhưng ông Nguyễn Đức Kiên - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho rằng, với một số ngành dịch vụ, chăn nuôi, bảo hiểm... sẽ gặp khó khăn do khả năng sản xuất 3 ngành hàng này yếu hơn các nước trong khu vực. "Việt Nam có lợi thế ở ngành công nghiệp nhẹ khi vào CPTPP, còn những ngành đòi hỏi “no house” thì lại không có lợi thế", ông đánh giá.
Tái cơ cấu kinh tế, đổi mới thể chế để phù hợp với CPTPP, trong đó quản trị quốc gia là vấn đề đặt ra rất lớn. Vì vậy, theo xu thế hội nhập bắt buộc phải tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp với giống chất lượng cao, đầu tư mạnh vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp.
Ông Trần Hoàng Ngân nhắc lại bài học khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2017, kỳ vọng "Việt Nam sẽ ra biển lớn, rồi thực tế các nước lại vào nhiều hơn". Ông lưu ý: "Có công ăn việc làm, GDP tăng trưởng thêm nhưng biến đổi về xuất nhập khẩu cũng có thể dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại, gây bất ổn về tỷ giá", đại biểu TP HCM lưu ý.
Đại biểu Nguyễn Đức Sáu, Phó chủ tịch thường trực Hội luật gia TP HCM cũng nêu thực tế, bò Mỹ, bò Australia vào Việt Nam giá rất rẻ. Nếu không có đầu tư cho chăn nuôi thì Việt Nam sẽ thất bại ngay trên sân nhà.
"Nghề cá hiện nay phải đầu tư và làm sạch môi trường chăn nuôi. Nếu không sản phẩm xuất đi nước ngoài rất khó", ông nói.
Hiệp định CPTPP gồm 7 điều, 1 phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand, cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập CPTPP.
Về cơ bản, CPTPP giữ nguyên nội dung của hiệp định TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ, trong đó 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 liên quan tới mua sắm Chính phủ và 7 liên quan tới quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, thương mại dịch vụ xuyên biên giới; dịch vụ tài chính, viễn thông, môi trường, minh bạch hoá và chống tham nhũng...
Theo Anh Minh - Hoàng Thuỳ (VnExpress.net)