Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận về việc xem xét thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các đại biểu muốn Chính phủ tận dụng các cơ hội, hạn chế thách thức mà hiệp định đem lại cho Việt Nam.
Đánh giá kỹ hơn tác động trực tiếp
Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang) đánh giá CPTPP mang đến nhiều cơ hội hơn là thách thức tới Việt Nam. Ông chỉ ra những cơ hội như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn, cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam với 10 nước còn lại bổ sung nhiều hơn là cạnh tranh. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển, cũng giúp duy trì hòa bình.
Tuy nhiên, vị này cho rằng cần đánh giá tác động trực tiếp về kinh tế một cách kỹ lưỡng hơn.
Đại biểu Phong cho biết Việt Nam đã có hiệp định thương mại tự do song phương với 7/10 nước còn lại, nhưng khả năng tạo việc làm không quá lớn. Chưa kể một số khu vực nhạy cảm như nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể bị ảnh hưởng.
Đồng tình với điều này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nói đến điều kiện về quy tắc xuất xứ hàng hóa được nêu trong CPTPP. Theo đó, Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế quan khi chứng minh được tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam. Ông cho đây là thách thức lớn và nêu ví dụ về ngành dệt may.
“Việt Nam đang nhập khẩu nhiều nguyên liệu dệt may từ các nước không nằm trong khối. Rất có thể hàng dệt may sẽ không được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan. Vì vậy cần đặt ra lộ trình cấp bách chuyển đổi nguồn nguyên liệu nhập từ các nước khác về sự sản xuất trong nước, hoặc nhập từ các nước trong khối, qua đó đảm bảo quy tắc xuất xứ”, ông nói.
Đại biểu Cường cho rằng đây là một yêu cầu, nhưng cũng là cơ hội để Việt Nam tạo ra chuỗi giá trị khép kín sản xuất trong nước, có thể không gia công như hiện nay. Việt Nam cũng có thể sản xuất nguyên liệu, phát triển công nghiệp phụ trợ, hoặc làm sản phẩm hoàn chỉnh.
“Chúng ta cũng có thể tận dụng CPTPP để thu hút đầu tư tốt hơn, kéo các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại về mở nhà máy tại Việt Nam. CPTPP sẽ là cơ hội của Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nếu làm tốt cơ hội này, Việt Nam sẽ là trung tâm thực hiện các ngành chế biến, chế tạo trong khối”, ông nói.
Vị này cũng cảnh báo nếu Việt Nam không kiểm soát tốt thì hàng hóa, nguyên liệu của một số nước sẽ tuồn vào để lấy nguồn gốc xuất xứ, xuất đi các nước trong khối CPTPP. Điều này sẽ đe dọa sản xuất trong nước, vi phạm các cam kết dẫn đến hậu quả nặng nề.
Thách thức 'chưa có tiền lệ' về lao động
Nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại đến những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP, đặc biệt là vấn đề lao động. Theo nội dung hiệp định, người lao động có thể tham gia một tổ chức về lao động, không nhất thiết là tổ chức công đoàn trực thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng thiết chế về tổ chức lao động mới sẽ là thách thức với thiết chế công đoàn đã tồn tại từ lâu. Bà đề nghị Chính phủ lý giải thêm về vấn đề giai cấp công nhân, qua đó có chiến lược phù hợp, hài hòa lợi ích 3 bên là Nhà nước, giới chủ và người lao động.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị giải trình và làm rõ việc sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến lao động, qua đó đảm bảo quyền lợi quốc gia và người lao động một cách bền vững.
Phó chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thừa nhận cam kết trong CPTPP nói chung và vấn đề lao động là “thách thức chưa có tiền lệ”. Ông cũng cho rằng điều khoản về lao động trong CPTPP đòi hỏi thiết chế công đoàn từ lâu phải cạnh tranh, thu hút, kết nạp đoàn viên với các tổ chức khác.
“Quy định này phát sinh không ít khó khăn khi phân loại, thương lượng tập thể, đình công.. Tuy nhiên, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc là trên hết, chúng tôi coi đây là cơ hội để đổi mới chính mình. Phải hoạt động thực chất, hiệu quả, khắc phục tính hành chính, tư duy bao cấp, đại diện chăm lo quyền và lợi ích chính đáng có người lao động”, ông nói.
Vị này cũng đề nghị cần hoàn thiện quy định pháp luật không để các tổ chức khác về lao động ra đời mà giới chủ thao túng.
Tháo gỡ các rào cản
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì nhấn mạnh CPTPP là cơ hội để Việt Nam hoàn thiện thể chế và pháp luật, tháo gỡ các rào cản để tiếp cận quốc tế.
Đồng tình với điều này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cần phải nỗ lực cải cách lập pháp, tư pháp khi thực thi CPTPP. Ông nhắc đến những xung đột và tranh chấp rất phức tạp có thể xảy ra giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nước khác. Tuy nhiên, trong hiệp định lại có những khái niệm rất trừu tượng như “công nhận tương đương”, “thời gian hợp lý”, “thời gian phù hợp”…
"Nếu không rà soát hướng dẫn, nghiên cứu tập quán, án lệ quốc tế liên quan đến giải quyết xung đột thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều thách thức lớn. Tôi đề nghị đề cao vai trò của Tòa án Nhân dân Tối cao để đào tạo, hướng dẫn doanh nghiệp trong nước. Cơ quan này cũng bồi dưỡng cán bộ, tập huấn để chuẩn bị tinh thần giải quyết xung đột trong tương lai", ông Lộc nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nhấn mạnh phải cải cách hành chính theo chuẩn mực quốc tế, từ đó, tạo môi trường công khai, minh bạch, kiểm soát nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
“Các cam kết cần chuẩn bị kỹ lưỡng song song với phê chuẩn hiệp định. Các cơ quan hữu quan cần sớm đề xuất sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cần tuyên truyền, phổ biến tới cơ quan, tổ chức, người dân về hiệp định này”, ông đề nghị.
Theo Hiếu Công (Tri Thức Trực Tuyến)