Trở lại danh sách tỷ phú USD
Theo Forbes, tính tới 23/2, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan (MSN) có khối tài sản 1 tỷ USD. Trước đó, ngay đầu năm mới 2024, ông chủ Masan đã trở lại danh sách những người giàu nhất thế giới của Forbes.
Như vậy, sau một năm 2023 đầy áp lực với toàn thị trường, nhiều cổ phiếu, trong đó có Masan (MSN) tăng khá mạnh trở lại. Kể từ đầu tháng 11/2023 tới nay, cổ phiếu MSN tăng từ mức 58.000 đồng lên ngưỡng 67.000-69.000 đồng/cp (gần 19%).
Sự gia tăng của cổ phiếu Masan đã kéo vốn hóa của tập đoàn tiêu dùng-bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang lên mức gần 96.000 tỷ đồng vào cuối ngày 23/2 (tương đương 3,9 tỷ USD).
Theo số liệu thống kê, ông Nguyễn Đăng Quang chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN, nhưng đại gia gốc Quảng Trị đang gián tiếp nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu MSN thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, tương đương gần 45% cổ phần Masan. Ông Quang cũng nắm giữ hơn 9,4 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB) - ngân hàng do tỷ phú Hồ Hùng Anh làm Chủ tịch.
Vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến nắm giữ hơn 42 triệu cổ phần MSN. Ngoài ra, ông Quang còn trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Tầm nhìn Masan...
Trên thực tế, tài sản 1 tỷ USD của ông Quang theo tính toán của Forbes như hiện nay là mức thấp. Ông Quang đã vào danh sách tỷ phú Forbes từ năm 2018 với khối tài sản biến động chủ yếu trong khoảng 1-1,9 tỷ USD.
Sau giai đoạn giảm mạnh từ tháng 8-10/2023, từ 88.000 đồng/cp xuống khoảng 58.000 đồng/cp, cổ phiếu MSN hồi phục khá ấn tượng nhưng vẫn chưa chinh phục lại được mốc 70.000 đồng/cp.
Dù vậy, cổ phiếu này được đánh giá có triển vọng bứt phá mạnh trong tương lai. Cổ phiếu MSN từng được nhiều tập đoàn lớn trên thế giới dự báo có thể lên mức 180.000 đồng/cp nhờ sự vững chắc của đế chế tiêu dùng-bán lẻ số 1 Việt Nam cũng như cỗ máy cung cấp nguyên liệu sản xuất pin hiệu suất cao trong tương lai.
Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng sẽ bứt phá trong những năm tới. Masan cũng được kỳ vọng là “cỗ máy in tiền” sản sinh ra những triệu phú USD trong thập kỷ tới.
Trong một báo cáo vừa được New World Wealth và hãng tư vấn đầu tư Henley & Partners công bố, tỷ lệ tăng trưởng tài sản tích lũy của người Việt Nam sẽ nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới, với mức bứt phá lên đến 125%. Đây sẽ là mức tăng trưởng tài sản cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào, xét về GDP bình quân đầu người và số lượng triệu phú USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang bứt phá, Masan sẽ sản sinh ra nhiều triệu phú USD?
Bên cạnh kỳ vọng từ dòng vốn FDI, giới đầu tư cũng đặt niềm tin vào các tập đoàn lớn trong nước như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đinh Long, Masan và các ngân hàng… sẽ sản sinh ra nhiều triệu phú USD người Việt.
Ông Nguyễn Đăng Quang (sinh 1963, tại Quảng Trị) tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Viện Hàn lâm khoa học Belarus. Học xong, ông ở lại Nga và khởi nghiệp từ những năm 1990 thông qua việc bán mỳ gói cho những người Việt sinh sống tại đây, rồi đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt. Năm 2002, ông Quang về nước và phát triển các sản phẩm như nước tương Chinsu, tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mỳ Omachi, xúc xích Ponnie, cà phê Vinacafe...
Masan Group là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong mảng tiêu dùng và bán lẻ, sau khi mua lại chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và đổi tên thành Winmart.
Ông Quang chính là người đã chi ra cả tỷ USD để viết tiếp giấc mơ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, phát triển hệ thống bán lẻ hàng hóa Việt, vốn một thời bị nhiều tập đoàn bán lẻ nước ngoài áp đảo.
Gần đây, nhiều hãng bán lẻ nước ngoài như AEON của Nhật, GO của Thái… phát triển khá mạnh nhưng hệ thống Winmart vẫn tiếp tục tái cấu trúc và mở rộng mạnh mẽ. Đây là kênh bán nhiều loại hàng hóa Việt, trong đó có hàng tiêu dùng của chính Masan.
Trong năm 2023, Masan ghi nhận doanh thu thuần vẫn tăng trưởng dương so với năm trước đó lên gần 78,3 nghìn tỷ đồng cho dù sức tiêu dùng trên thị trường nội địa giảm.
Điểm nổi bật nhất của Masan là mảng sản xuất kinh doanh tiêu dùng cốt lõi tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng bền vững, trong khi mảng kinh doanh bán lẻ có tín hiệu đạt được mức lợi nhuận tốt trong trung hạn.
Lần đầu tiên sau giai đoạn Covid-19, hệ thống bán lẻ WinCommerce (WCM) gần đạt điểm hóa vốn EBIT (lợi nhuận trước lãi vay và thuế). Đây là cột mốc quan trọng của Masan về lộ trình tiến đến điểm hòa vốn lợi nhuận sau thuế của toàn bộ mạng lưới trong năm 2024.
TS. Nguyễn Đăng Quang cho biết, WinCommerce đang trên đà gặt hái lợi nhuận bền vững trong năm 2024. Masan Consumer Holdings đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
Cho đến nay, Masan cũng đã tạo ra khá nhiều người giàu có, trong đó có ông Nguyễn Đăng Quang (1 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Thanh Thủy (7.250 tỷ đồng), Nguyễn Hoàng Yến (2.900 tỷ đồng), Nguyễn Thiều Quang (1.400 tỷ đồng)…
Triển vọng tăng trưởng của Masan cũng được củng cố thêm khi các tập đoàn lớn nước ngoài và các quỹ đầu tư tranh thủ rót tiền vào các doanh nghiệp lớn Việt, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng, bán lẻ, dược phẩm và tài chính khi đây được coi là “thời điểm vàng” của tiêu dùng Việt Nam.
Gần đây, Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Bain Capital với tổng tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD, đã đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Masan Group, với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng. Đây là giá cao hơn khá nhiều so với mức 67.0000 đồng/cp đang giao dịch trên sàn.
Một số nhà đầu tư khác đang đàm phán với Masan và dựa trên nhu cầu sử dụng vốn của tập đoàn cũng như điều kiện thị trường, Masan có thể tăng mức thu hút đầu tư lên đến 500 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Masan định hướng từ một tập đoàn tiêu dùng trở thành một tập đoàn tiêu dùng-bán lẻ kết nối người tiêu dùng bằng công nghệ ở cả kênh offline truyền thống và online, theo định hướng Consumers of Things (kết nối nhu cầu người tiêu dùng).
Ông Danny Lê, Tổng Giám đốc Masan cho biết, Masan sẽ phát triển nền tảng đa kênh, cung cấp thông tin, sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm, từ đó, đáp ứng vạn nhu cầu của khách hàng.
Năm 2020, Tập đoàn Masan đã mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của nhà chế tạo hàng đầu thế giới có công nghệ chịu nhiệt H.C. Starck (Đức). Đây là bước đi chiến lược đưa Masan Resources từ nhà khai khoáng xuất thô thành thành nhà chế tạo vật liệu công nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới.
Giữa năm 2022, H.C. Starck Tungsten Powders (HCS), công ty con của Masan High-Tech Materials (MHT) đầu tư vào Nyobolt Limited (Nyobolt), một công ty chuyên cung cấp giải pháp pin Li-ion sạc nhanh. Pin lithium-ion do Nyobolt chế tạo có công suất cao kỷ lục và khả năng sạc tốc độ cực nhanh.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)