CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (Mã HNG) do tỷ phú Trần Bá Dương làm Chủ tịch, đã thông qua Dự án đầu tư sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong (Lào).
Dự án có tổng diện tích 27.384ha, vốn đầu tư lên đến 18.090 tỷ đồng. Trong đó, 9.650 tỷ đồng vốn tự có và 8.440 tỷ đồng vốn đi vay. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến năm 2028, thời gian hoạt động 50 năm.
HNG sẽ góp đủ 100% phần vốn tự có 9.650 tỷ đồng cho đơn vị thực hiện dự án là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Sản xuất Kinh doanh Nông nghiệp Nam Lào. Còn vốn đi vay 8.440 tỷ đồng sẽ được huy động từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
Theo HNG, dự án trên sẽ trồng cây ăn trái (chuối, xoài, bưởi, sầu riêng), kết hợp chăn nuôi bò bán chăn thả, bò thịt vỗ béo; chế biến trái cây; sản xuất sợi; sản xuất phân hữu cơ vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Về triển vọng của dự án, sản lượng trái cây tươi xuất khẩu là 624.000 tấn/năm (chuối 500.000 tấn/năm; dứa 80.000 tấn/năm; xoài 18.500 tấn/năm; bưởi 16.000 tấn/năm; sầu riêng 9.500 tấn/năm). Sản lượng trái cây chế biến xuất khẩu là 25.000 tấn/năm.
Về chăn nuôi, số bò giống cung cấp là 12.000 con/năm, sản lượng thịt bò thương phẩm xuất khẩu 17.000 tấn/năm.
HNG dự kiến, dự án này sẽ đạt doanh thu 13.500 tỷ đồng/năm (tương đương 550 triệu USD/năm) và lợi nhuận 2.450 tỷ đồng/năm (tương đương 100 triệu USD/năm). Tỷ suất lợi nhuận là 18%.
Năm 2023, HNG ghi nhận doanh thu 605,5 tỷ - giảm 18%. Khấu trừ chi phí, HNG lỗ ròng hơn 1.050 tỷ đồng.
Như vậy, HNG đã lỗ 3 năm liên tục. Trong năm 2021, 2022, công ty lỗ lần lượt là 1.119 tỷ và 3.576,5 tỷ. Lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã vượt 8.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của công ty tại thời điểm cuối năm 2023 tiếp tục giảm về 2.300 tỷ đồng.
Kết phiên giao dịch ngày 22/2, cổ phiếu HNG đạt 4.330 đồng/cp.
Tin doanh nghiệp
Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
* SVT: CTCP Công nghệ Sài Gòn Viễn Đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu 98 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 27 tỷ đồng, đi ngang so với kết quả năm trước, dự kiến chi trả cổ tức tỷ lệ 15%.
* BVH: Kết thúc năm 2023, Tập đoàn Bảo Việt thu về gần 1.723 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng 11% so với năm trước, chủ yếu nhờ tăng trưởng từ hoạt động đầu tư.
* HPD: Công ty TNHH Năng Lượng SJE báo cáo đã mua 5,41 triệu cổ phiếu của CTCP Thủy điện ĐăK Đoa, chiếm 65,1% vốn tại đây, qua đó trở thành cổ đông lớn của Thủy điện Đăk Đoa từ ngày 2/2.
* DS3: Bà Tạ Thị Thanh Hương đã mua 952 ngàn cổ phiếu DS3 (tỷ lệ 8,92%) vào ngày 19/2, ngồi vào ghế cổ đông lớn tại CTCP Quản lý Đường sông Số 3. Trước đó, bà Hương không nắm giữ bất kỳ cổ phiếu DS3 nào.
* ANT: Cổ đông lớn của CTCP Rau quả Thực phẩm An Giang là Công ty TNHH Baby Corn đăng ký bán toàn bộ 1,78 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 9,72%) từ ngày 23/2-22/3, nhằm giảm tỷ lệ sở hữu.
* SSG: Ngày 3/2, đợt chào bán công khai hơn 1,3 triệu cổ phiếu SSG của CTCP Vận tải biển Hải Âu mà Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nắm giữ đã hoàn tất, bên mua là hai nhà đầu tư cá nhân trong nước. Sau thương vụ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam thu hơn 29 tỷ đồng và chính thức rời ghế cổ đông tại SSG.
* BHI: Công ty bảo hiểm phi nhân thọ đến từ Hàn Quốc - DB Insuarance chính là chủ nhân nhận sang tay 75 triệu cổ phiếu của Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội trong phiên 19/2
* IDV: CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc chuẩn bị trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, cao hơn 5% so với kế hoạch ban đầu. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 5/34.
VN-Index
Kết phiên giao dịch ngày 22/2, VN-Index giảm 2,73 điểm (-0,22%) xuống 1.227,31 điểm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,07%) lên 234,01 điểm, UpCOM-Index giảm 0,03 điểm (-0,04%), xuống 90,57 điểm.
Theo Chứng khoán SHS, trong ngắn hạn dù đang trong nhịp tăng nhưng VN-Index đang gặp thử thách thực sự khi tiệm cận ngưỡng kháng cự mạnh quanh 1.250 điểm và khả năng thị trường rung lắc và điều chỉnh mạnh có thể xảy ra.
Về trung hạn, VN-Index đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150 điểm - 1.250 điểm. Hiện tại VN-Index gần như tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy nên rủi ro trong ngắn và trung hạn đang tăng lên.
Còn theo Chứng khoán Yuanta, thị trường có thể sẽ tiếp tục giằng co với nhịp tăng giảm đan xen. Các nhóm cổ phiếu có thể sẽ phân hóa, trong đó kỳ vọng nhóm Midcaps và Smallcaps có thể duy trì đà tăng, còn nhóm cổ phiếu VN30 có thể sẽ đi ngang hoặc điều chỉnh.
Ngoài ra, chỉ báo tâm lý tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư vẫn đang lạc quan với diễn biến thị trường hiện tại.
Theo Ngọc Cương (VietNamNet)