Nhận được tin nhắn thông báo tiền điện mới đây, chị Lê Thị Hoa ở khối Độc Lập, Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) không khỏi xót xa khi hóa đơn tiền điện tháng 8 của nhà chị lên tới gần 3,4 triệu đồng, dù đã được hỗ trợ giảm 10% hóa đơn tiền điện do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chị Hoa kể, nhà chị có tất cả 4 thành viên, gồm hai vợ chồng và hai con. Nhà chị có 2 tivi, 2 điều hòa, 3 quạt máy, 2 máy tính,... nhưng hai tháng nay, tiền điện luôn xấp xỉ 4 triệu đồng.
“Nếu như tháng 7, hóa đơn tiền điện nhà mình là 3,99 triệu đồng thì tháng này giảm chút, còn gần 3,4 triệu đồng dù đã được hỗ trợ giảm 10%. Vì dùng rất tiết kiệm rồi mà khi cầm hóa đơn tiền điện cao như vậy, mình thấy tốn kém quá”, bà nội trợ này phàn nàn.
Theo chị Hoa, nguyên nhân có thể là do sau ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, thay vì đến trường để tiếp tục học tập và ôn thi, hai con chị đều phải ở nhà học online tránh dịch. Bởi thế, ngày nào nhà chị cũng phải mở hai máy tính liên tục. Nhất là con gái chị đang học lớp 12, phải ôn cấp tốc cho kỳ thi tốt nghiệp và đại học nên học ngày học đêm. Bởi thế, ngoài máy tính thì quạt, điều hòa, bóng điện trong nhà cũng chạy hết công suất.
Đến tháng 7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, để tiết kiệm tiền, chị Hoa quyết tâm sử dụng điện tiết kiệm nhất có thể. Vậy nhưng, do thời tiết lại nắng nóng gay gắt nên tiền điện vẫn lên tới gần 4 triệu đồng. Đến tháng sau, may mà được giảm 10% tiền điện còn 3,4 triệu chứ nếu không cũng cao bằng tháng trước.
“Ngoài học online của hai con, vợ chồng mình cũng ở nhà chống dịch không đi bán hàng được. Lại phải dùng điều hòa, quạt mát. Rồi ở nhà nấu nướng ngày 3 bữa suốt cả tháng nay. Như vậy, lượng điện tiêu thụ vẫn tăng cao", chị Hoa kể.
Bà nội trợ này cho biết, cứ đến những tháng hè, trời nắng nóng gay gắt thì tiền điện nhà chị cũng tăng hẳn. Nay lại thêm dịch bệnh xảy ra, cả nhà ở nhà sinh hoạt nên hóa đơn càng cao hơn. Điều này vợ chồng chị đã lường trước, song vẫn không khỏi xót ví bởi mùa dịch đã không kiếm ra tiền được còn mất thê khoản tiền điện khá lớn này.
Chị lo ngại, cuối tháng 8 sang tháng 9, thời tiết vẫn chưa dịu mát hẳn mà vẫn còn nắng nóng, nhà chị vẫn phải sử dụng các thiết bị làm mát. Cộng thêm việc ở nhà giãn cách, hóa đơn tiền điện tăng cao là điều khó tránh khỏi.
Do đó, chị đang hô hào cả nhà thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, giảm tối đa năng lượng điện phải sử dụng cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Từ đó, giảm tiền điện về mức chi trả thấp nhất.
“Cả tuần nay mình quán triệt phải tắt các bóng đèn hay quạt máy, điều hòa khi không sử dụng. Chỉ được mở điều hòa từ 10h sáng, ở nhiệt độ ban ngày từ 26-28 độ C (nhiệt độ ngoài trời trên 35 độ C), ban đêm từ 25-27 độ C, hẹn giờ tắt vào sáng sớm. Luôn dùng điều hòa kết hợp với quạt gió vừa thoáng khí mà lại tiết kiệm điện", chị Hoa nói.
Bên cạnh đó, thiết bị tiêu thụ điện lớn nữa là tủ lạnh. Chị khuyến cáo chồng và các con phải có thói quen khi nấu ăn tập trung lấy hết đồ trong tủ một lần, không nên mở tủ lạnh quá nhiều. Các thiết bị điện khác, nếu không sử dụng rút phích cắm hoặc tắt nguồn luôn.
EVNHANOI khuyến nghị khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều điện trong giờ cao điểm của hệ thống điện (bao gồm khung giờ từ 11h00 - 14h00 và từ 18h00 - 23h00 hàng ngày).
Cụ thể, đối với các hộ gia đình, cần sử dụng thiết bị điện hợp lý, chọn mua thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng (càng nhiều sao càng tiết kiệm điện năng); thường xuyên vệ sinh bảo dưỡng để thiết bị hoạt động ổn định, tiết kiệm; rút phích cắm khi không sử dụng,...
Đặc biệt, trong những lúc thời tiết nắng nóng kéo dài, điện năng tiêu thụ của riêng điều hoà nhiệt độ trong gia đình có thể chiếm tới 60-65% tổng số lượng điện năng tiêu thụ. Hơn nữa, khi thực hiện giãn cách dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt tăng cao.
Vì thế, khi sử dụng cần để mức nhiệt độ tốt nhất là từ 26 - 28 độ C, bởi việc để nhiệt độ thấp không khiến điều hòa làm lạnh nhanh hơn mà chỉ thêm tốn điện, hại máy và không đảm bảo sức khỏe. Trong trường hợp chưa đủ mát, người dùng có thể bật thêm quạt gió kết hợp, sẽ giúp tiết kiệm điện khoảng 2 - 3% điện năng so với việc bật điều hòa ở mức nhiệt thấp hơn.
Bên cạnh đó, việc không thường xuyên vệ sinh điều hòa cũng là nguyên nhân gây lãng phí điện năng. Sau một thời gian sử dụng, các lưới lọc gió và hốc đẩy gió lạnh thường bị bẩn, thậm chí rêu mốc khiến máy lạnh hoạt động kém hiệu quả, tốn điện gây hại sức khỏe. Điều hòa sau thời gian dài sử dụng, cả giàn nóng và giàn lạnh đều có các lá tản nhiệt bị mềm, trong khi gas lạnh có thể bị hao hụt, dầu máy bị bẩn cũng như các chi tiết cơ khí bị mài mòn. Hiệu quả làm lạnh có thể bị giảm tới 10 - 15%.
Theo Thảo Nguyên (VietNamNet)