Tuần qua, một số cơ quan truyền thông phản ánh việc nhu cầu dùng điện vào mùa nắng nóng tăng cao, người dân ở nhà nhiều vì dịch COVID-19, cùng với biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt theo 6 bậc lỗi thời khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt.
Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) vừa có phản hồi chính thức về vấn đề này.
Cụ thể, về việc sửa biểu giá điện bậc thang hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện của các khách hàng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng.
Hiện tư vấn Đề án cải tiến biểu giá bán lẻ điện đang cập nhật số liệu tính toán, đánh giá tác động và đề xuất các phương án cải tiến biểu giá hợp lý, phù hợp thực tế nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Trên cơ sở xem xét đề án, Bộ Công Thương sẽ lựa chọn phương án phù hợp và sẽ lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan có liên quan để hoàn thiện hoàn thiện các phương án sửa đổi Quyết định 28/2014/TT-BCT quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trước khi báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, trên cơ sở đánh giá ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các phương án sửa đổi Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Ngay sau đó, ngày 22/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021 khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế phục hồi.
Về dịch vụ khách hàng trong mùa nắng nóng, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho hay, Cục đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đẩy mạnh truyền thông về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; tuyên truyền phổ biến chính sách giá điện và quy định về biểu giá bán điện; nâng cao hiệu quả trong chăm sóc khách hàng.
Cụ thể như việc thực hiện tốt ghi chỉ số công tơ; kiểm tra, phúc tra chỉ số công tơ và thông tin kịp thời đến khách hàng sử dụng điện; tăng cường, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và giải quyết các vụ việc về áp giá bán lẻ điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà để ở.
Thực tế thời gian qua, công nghệ thông tin được EVN áp dụng hiệu quả, các ứng dụng về theo dõi tiền điện giúp khách hàng biết rõ lượng điện tiêu thụ để có thể điều chỉnh hợp lý trong sử dụng hằng ngày. Bên cạnh đó, ứng dụng cũng sẽ cảnh báo nếu lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng cao.
Bộ Công Thương khuyến cáo các hộ gia đình, cơ quan, công sở, doanh nghiệp và người dân sử dụng điện áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện; sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26-27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt).
Bên cạnh đó, người dân cần tắt bớt các thiết bị không sử dụng, không nên sử dụng cùng lúc các thiết bị điện có công suất lớn như điều hòa, bếp đun điện… để đảm bảo hiệu quả sử dụng điện, đồng thời cũng hạn chế tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến do mức sử dụng điện quá cao so với bình thường.
Theo Đức Dũng (TTXVN/Vietnam+)