Tờ Fortune cho hay mới đây ông chủ Bernard Arnault của tập đoàn hàng xa xỉ LVMH, sở hữu những thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior hay Tiffany đã chứng kiến tài sản cá nhân bốc hơi 10 tỷ USD chỉ trong 1 ngày sau khi giá cổ phiếu giảm mạnh 7% vì doanh số quý III/2024 bất ngờ giảm.
Đây là tin chẳng mấy vui vẻ gì cho Arnault khi mới chỉ 18 tháng trước đây, người đàn ông này vẫn là tỷ phú giàu nhất hành tinh khi cổ phiếu LVMH ở mức cao kỷ lục.
Thế nhưng từ đó đến nay, tổng vốn hóa của LVMH đã bốc hơi 163 tỷ USD vì nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ của thị trường Trung Quốc giảm sút. Tài sản cá nhân của Arnault cũng bay hơi 37 tỷ USD trong khoảng thời gian đó, tụt xuống vị trí người giàu thứ 5 toàn cầu và trở thành tỷ phú mất nhiều tiền nhất trong thời gian qua.
Trong báo cáo gần nhất, tập đoàn LVMH đã cho biết doanh số quý III giảm 3% xuống còn 21 tỷ USD.
Hiện tỷ phú người Pháp này có tổng giá trị tài sản cá nhân vào khoảng 174,5 tỷ USD, thua kém hơn nhiều đại gia công nghệ khác vốn tăng trưởng tài sản với tỷ lệ 2 chữ số trong năm qua.
Con số này thấp hơn rất nhiều so với đầu năm 2024 khi Arnault vẫn giữ được danh hiệu tỷ phú giàu nhất thế giới. Thậm chí vào tháng 3/2024, tổng tài sản cá nhân của ông trùm LVMH đã đạt kỷ lục 231 tỷ USD để rồi sau đó lao dốc không phanh do doanh số bán hàng giảm sút.
Vào tháng 9/2024, Bernard Arnault đã tụt xuống vị trí người giàu thứ 5 thế giới sau khi cổ phiếu mất giá 20% còn tài sản ròng bốc hơi 54 tỷ USD.
Hàng xa xỉ hết thời?
Trong nửa đầu năm 2024, LVMH chỉ báo cáo doanh thu giảm nhẹ nhưng hàng loạt dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng của ngành hàng xa xỉ đã không còn được như trước. Bộ phận kinh doanh rượu vang và rượu mạnh của LVMH đã giảm mạnh doanh số do nhu cầu yếu từ thị trường Trung Quốc.
"Có lẽ trong tình hình toàn cầu hiện nay, từ góc nhìn kinh tế đến địa chính trị thì chẳng ai vui vẻ mua những chai rượu đắt tiền làm gì cả. Tôi cũng không biết chắc nữa nhưng thực tế là doanh số của chúng tôi đã giảm 2 chữ số", giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony của LVMH than thở.
Tồi tệ hơn, doanh số tại bộ phận thời trang và đồ gia, vốn là mảng cốt lõi của LVMH và thậm chí là chỉ báo cho ngành hàng xa xỉ toàn cầu, đã ghi nhận mức suy giảm lần đầu tiên kể từ năm 2020 đến nay.
Theo LVMH, nguyên nhân chủ yếu cho tình trạng này là sức tiêu dùng yếu của thị trường Trung Quốc khiến doanh số quý III giảm sút, đi kèm với đó là hàng loạt những yếu tố bất ổn từ kinh tế cho đến địa chính trị trên toàn cầu.
Giám đốc Guiony cho biết vẫn chưa rõ liệu các biện pháp kích thích gần đây của chính phủ Trung Quốc có đủ để thúc đẩy chi tiêu trong khu vực hay không.
Doanh số bán của LVMH tại thị trường Châu Á ngoại trừ Nhật Bản đã giảm 16% trong quý III, mức giảm mạnh hơn dự kiến và là quý thứ III giảm liên tiếp của hãng.
Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc ở mức thấp do lo ngại về rủi ro trên thị trường bất động sản cũng như tỷ lệ thất nghiệp cao đã tác động mạnh vào sức mua hàng xa xỉ.
"Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang xuống mức thấp kỷ lục, tương tự như thời đại dịch Covid-19", giám đốc Guiony cho biết.
Cách đây 1 năm, tỷ lệ đóng góp doanh số của thị trường Mỹ và Châu Á cho LVMH tương ứng là 24% và 32%. Thế nhưng con số này hiện chỉ còn 25% và 29%, qua đó cho thấy sự sụt giảm của người mua Trung Quốc.
Thế rồi cuộc xung đột thương mại Mỹ-Trung cũng khiến LVMH gặp khó bởi nhiều thương hiệu xa xỉ của hãng này liên quan đến cả 2 thị trường.
Thậm chí tại chính quê nhà Pháp, LVMH đang đối mặt nguy cơ phải nộp thêm 800 triệu Euro tiền thuế nếu chính phủ Pháp thông qua dự luật thuế mới nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Rõ ràng, vị tỷ phú từng giàu nhất thế giới đầu năm 2024 đang có một năm không mấy suôn sẻ.
Dựng nghiệp
Nói về sự nghiệp của Arnault, vị tỷ phú người Pháp này bắt đầu làm việc tại công ty bất động sản của cha mình vào năm 1971. Đến năm 1975, ông thuyết phục cha mình bán mảng xây dựng để chuyển sang kinh doanh thuần bất động sản.
Sự nghiệp của Arnault có bước đột phá khi ông chi 15 triệu USD có được từ đợt bán mảng xây dựng năm 1975 để mua các thương hiệu xa xỉ như Christian Dior, Boussac Saint-Frères vào năm 1984.
Ngay sau khi mua lại, Arnault đã cho sa thải 9.000 nhân viên kỳ cựu làm việc cho các thương hiệu thời trang này, bán đi hầu hết tài sản (ngoại trừ thương hiệu Dior) và thậm chí bị mọi người đặt cho biệt danh "kẻ hủy diệt".
Tuy nhiên cách làm cứng rắn của Arnault đã có tác dụng khi mảng thời trang của công ty bắt đầu có lãi từ năm 1987, đạt doanh thu 1,9 tỷ USD với lãi ròng 112 triệu USD.
Cùng năm đó, Arnault đã hợp tác với Alain Chevalier (CEO của Moët Hennessy) và Henry Racamier (chủ tịch của Louis Vuitton) để thành lập LVMH để rồi phát triển thương hiệu này thành tập đoàn xa xỉ lớn nhất thế giới.
Ngày nay, LVMH có khoảng 75 thương hiệu xa xỉ trong danh mục đầu tư của mình và đã phát triển thành công ty có vốn hóa lớn nhất ở Châu Âu.
Đầu năm 2024, LVMH đã trở thành công ty châu Âu đầu tiên vượt qua mốc 500 tỷ USD và tài sản của Arnault cũng lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD.
Hiện 5 người con của Arnault đều làm việc tại các thương hiệu của LVMH và cũng đang cạnh tranh để một ngày nào đó tiếp quản đế chế xa xỉ từ cha mình.
Tuy nhiên Arnault chưa chịu từ bỏ ngay khi đã buộc hội đồng quản trị phải sửa quy định, kéo dài tuổi nghỉ hưu cho chủ tịch và giám đốc điều hành từ 75 lên 80 tuổi để ông có thể ở lại lâu hơn.
Theo Băng Băng (Nhịp Sống Thị Trường)