Nợ công không quá 60% GDP vào năm 2030

14/04/2022 21:02:33

Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030 (Chiến lược).

Nợ công không quá 60% GDP vào năm 2030 ảnh 1
Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP

Chiến lược đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 kiểm soát chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt.

Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

Về định hướng huy động và sử dụng vốn vay, Chính phủ yêu cầu thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ. Trong điều hành ngân sách nhà nước hằng năm phải kiểm soát đồng thời tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách, đảm bảo trong ngưỡng cho phép.

Cùng với đó tập trung giải ngân hết nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký vay đến cuối năm 2020. Việc huy động vay mới vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ.

Xây dựng một số chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng theo từng mục tiêu ưu tiên thay cho cách tiếp cận dự án riêng rẽ, phân tán; nâng cao tỷ trọng vay ngoài nước hỗ trợ ngân sách để tăng tính chủ động trong quản lý sử dụng vốn vay.