Liên quan đến việc các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, đến nay đã có 5 trong tổng số 12 dự án được đưa ra khỏi danh sách chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Cụ thể, doanh nghiệp là DAP-1 Hải Phòng thuộc Tập đoàn Hóa chất đã cơ bản khắc phục các tồn tại, sản xuất kinh doanh có lãi. Bốn dự án, doanh nghiệp khác thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gồm Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ về cơ bản không còn vướng mắc về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của cơ quan Nhà nước.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, đối với 5 dự án đưa ra khỏi danh mục theo dõi của Ban Chỉ đạo đây là một quá trình dài từ những năm 2017. Bộ Công Thương đã rất công phu, rà soát, xác định tình trạng của quá trình thực hiện, cũng như đối chiếu với với cơ chế chính sách để tìm ra những vướng mắc, tồn đọng… Từ đó, định hướng để khắc phục, thích ứng lại thị trường trở lại, đến năm 2021 đã rõ hơn các vấn đề của 5 dự án này.
Đây cũng là cơ sở để đưa các dự án ra khỏi diện theo dõi, trên cơ sở không còn vướng mắc về cơ chế chính sách, từ đây giao cho doanh nghiệp chủ động trong triển khai thực hiện theo quy định của cơ chế thị trường. 5 dự án được đưa ra khỏi danh mục theo dõi đều được phân tích rất kỹ lưỡng và bám sát mục tiêu mà Bộ Chính trị đã chỉ đạo và được thông qua.
“5 dự án này đều bám sát các mục tiêu cụ thể: Khắc phục thua lỗ, thậm chí có lãi. Các dự án không còn khả năng khắc phục vì các lý do như sản phẩm đưa ra không còn thị trường, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu thì xử lý tài chính, cơ cấu vốn, giải pháp cuối cùng là phá sản. Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ cũng theo hướng mới, là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp để lựa chọn các nhà đầu tư mới để thích ứng với thị trường hiện nay, tạo đà phát triển mới cho doanh nghiệp” - ông Hồ Sỹ Hùng nói.
Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các bộ, ngành… có sự nỗ lực rất cao. Rõ ràng với nỗ lực làm việc đã cho thấy đạt được kết quả tích cực.
“Bắt đầu nhìn thấy những cái kết quả rất tích cực, ví dụ như có những dự án gọi là hồi sinh tiếp tục có thể hoạt động và có thể tạo ra những sản phẩm, tạo ra công ăn việc làm… Nhưng vấn đề chúng ta lo ngại nhất là dự án bị dừng lại thì những cái thiệt hại từ tiền vốn, lỗ lũy kế và tất cả những chi phí khác… cứ đeo bám các dự án. Lần này tôi đánh giá rất cao 2 điểm, một là chúng ta rất tích cực, hai là bắt đầu các dự án có những kết quả rất khả quan, tích cực” – ông Phan Đức Hiếu nói./.