Nợ công toàn cầu cao kỷ lục

07/04/2022 07:09:05

Nợ công toàn cầu dự kiến tăng lên mức cao kỷ lục 71.600 tỉ USD trong năm nay khi các nước vay nợ cho hồi phục kinh tế và tăng chi tiêu quốc phòng

Theo chỉ số nợ công thường niên được công bố hôm 6-4, Tập đoàn quản lý tài sản toàn cầu Janus Hen-derson (Anh) dự báo nợ công toàn cầu tăng 9,5%, chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc nhưng với phần lớn các quốc gia dự kiến còn tăng vay nợ.

Các chính phủ trên khắp thế giới đã tăng cường vay nợ kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cách đây 2 năm nhằm ngăn sự sụp đổ của nền kinh tế. Tập đoàn Janus Henderson cho biết khoản nợ công của các nước tăng lên mức kỷ lục 65.400 tỉ USD vào năm 2021, so với 52.200 tỉ USD vào tháng 1-2020.

Nợ công của Trung Quốc tăng nhanh nhất và nhiều nhất tính theo tiền mặt, tăng 1/5 (khoảng 650 tỉ USD) vào năm ngoái. Trong số các nền kinh tế lớn và phát triển, Đức có mức tăng tỉ trọng lớn nhất, với tỉ lệ nợ tăng 15%, gần gấp đôi tốc độ trung bình toàn cầu.

Theo Công ty Janus Henderson, nợ công đã tăng gấp 3 trong 2 thập kỷ qua. Với lãi suất thực tế đối với tất cả các khoản nợ công trên thế giới giảm từ 1,8% vào năm 2020 xuống 1,6% vào năm ngoái, chi phí xử lý nợ đã giảm xuống 1.010 tỉ USD. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ đồng nghĩa với việc tỉ lệ nợ công trên GDP toàn cầu giảm từ 87,5% vào năm 2020 xuống 80,7% vào năm 2021.

Tuy nhiên, chi phí nợ có thể tăng mạnh, Công ty Janus Henderson ước tính gánh nặng lãi suất toàn cầu sẽ tăng gần 15% trên cơ sở tiền tệ không đổi, lên 1.160 tỉ USD trong năm 2022.

Bà Bethany Payne, giám đốc danh mục đầu tư trái phiếu toàn cầu tại Janus Henderson, cho hay: "Đại dịch đã tác động rất lớn đến việc vay nợ của chính phủ và hậu quả sẽ tiếp diễn trong một thời gian". Theo bà Payne, cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng góp phần gây áp lực cho các chính phủ phương Tây phải vay nợ nhiều hơn để tăng chi tiêu quốc phòng.

Nợ công toàn cầu cao kỷ lục
Bảng điện hiện khoản nợ công tại trạm xe buýt ở Washington - Mỹ hồi tháng 1-2022. Ảnh: REUTERS

Theo đài CNBC, Đức đã tuyên bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên hơn 2% GDP trong động thái thay đổi chính sách đáng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, bên cạnh cam kết tài trợ khoảng 110 tỉ USD cho các lực lượng vũ trang.

Khoản vay nợ mới dự kiến đạt khoảng 10.400 tỉ USD trong năm 2022, cao hơn gần 1/3 so với mức trung bình trước đại dịch Covid-19, theo báo cáo vay nợ toàn cầu từ Công ty S&P Global Ratings (Mỹ) được công bố hôm 5-4.

Nhà phân tích tín dụng Karen Vartapetov tại S&P Global Ratings nhận định tình trạng vay nợ sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu đảo nợ cao, cũng như các thách thức bình thường hóa chính sách tài khóa do đại dịch Covid-19, lạm phát cao và bối cảnh chính trị xã hội phân cực.

Trong khi đó, kinh tế châu Á có dấu hiệu khởi sắc bất chấp những thách thức về sự gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ngân hàng Phát triển châu Á hôm 6-4 cho biết các nền kinh tế đang phát triển ở châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng 5,2% vào năm 2022 và 5,3% vào năm 2023 nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Nền kinh tế các nước Đông Á, Nam Á và Đông Nam Á đều được kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế trở lại thời điểm trước đại dịch. 

Giao tranh ở Ukraine vẫn tiếp diễn

Các lực lượng Nga hôm 6-4 pháo kích vào các thành phố Mariupol và Kharkiv ở Ukraine trong bối cảnh các nước phương Tây chuẩn bị áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt lên Nga liên quan đến cáo buộc sát hại dân thường ở TP Bucha (mà phía Nga bác bỏ). Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết các nhà chức trách nỗ lực sơ tán người dân bị mắc kẹt qua 11 hành lang nhân đạo hôm 6-4.

Theo hãng tin Reuters, các lực lượng Nga hồi tuần trước đã rút khỏi các vị trí bên ngoài thủ đô Kiev và chuyển trọng tâm chiến dịch quân sự. Tuy nhiên, Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, vẫn bị tấn công.

Phát biểu một ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) công bố các lệnh trừng phạt mới, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than của Nga và ngăn các tàu Nga cập cảng ở các nước EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 6-4 cho biết đó không phải là những biện pháp trừng phạt cuối cùng của EU đối với Nga. Nhà Trắng cùng ngày cũng tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới lên Nga.

Theo Xuân Mai (Nld.com.vn)