Lợi nhuận các tổ chức tín dụng năm 2018 được dự báo tăng 40% so với năm 2017, theo báo cáo mới đây của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Tuy nhiên không phải tất cả ngân hàng đều có một bức tranh với gam màu sáng.
Bất ngờ lớn nhất trong năm 2018 là VietinBank khi lợi nhuận nhà băng này giảm 25% so với năm 2017 và rời khỏi Top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất thị trường.
Theo ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank, nguyên nhân chính của sự sụt giảm đến từ phương án tăng vốn chưa được phê duyệt, trong khi phải thực hiện bước đầu kế hoạch tái cơ cấu khiến ngân hàng này thu hẹp hoạt động trong quý cuối năm. Dư nợ tín dụng trong quý cuối năm của VietinBank giảm 26.000 tỷ đồng, kéo tăng trưởng tín dụng cả năm chỉ còn 6,1%. Dư nợ cho vay bất động sản cũng giảm 8%.
Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank, mã CK: LPB) cũng là một trường hợp trong nhóm này khi lợi nhuận trước thuế năm vừa qua giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả xuất phát từ sự sụt giảm trong hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và tỷ lệ lãi cận biên kém hiệu quả.
Thu nhập từ lãi của nhà băng này vẫn tăng 20% trong năm 2018, đạt hơn 13.800 tỷ đồng, song chi phí lãi trả cho huy động vốn tăng hơn 40% khiến thu nhập lãi thuần cả năm của LienVietPostBank giảm gần 4% so với cùng kỳ.
Khoản lỗ từ chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận gần 5 tỷ đồng, trong khi năm 2017 ngân hàng này báo lãi hơn 380 tỷ đồng. Trong giải trình, LienVietPostBank cho biết khoản lỗ do thị trường chứng khoán những tháng cuối năm không thuận lợi.
Hoạt động dịch vụ dù tăng hơn gấp đôi vẫn không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm trong tổng thu nhập hoạt động. Theo đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 20% so với năm 2017, kéo theo lợi nhuận trước thuế giảm hơn 30%.
Giữa tháng 8/2018, ngân hàng này đã điều chỉnh giảm 33% kế hoạch lợi nhuận, nguyên nhân chính được đại diện ngân hàng đưa ra khi đó là do không được nới "room" tăng trưởng tín dụng và việc mở rộng mạng lưới khiến chi phí hoạt động gia tăng.
VietinBank, LienVietPostBank có thể xem là trường hợp điển hình có hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng bởi chính sách hạn chế tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank, từ đầu năm 2018 ngân hàng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên tăng trưởng tín dụng 20% dù phê duyệt ban đầu của cơ quan điều hành chỉ là 14%. Việc không được nới tăng trưởng tín dụng khiến LienVietPostBank phải điều chỉnh hàng loạt chỉ tiêu trong những tháng cuối năm.
Khác với LienVietPostBank hay VietinBank, trường hợp của Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) chủ yếu do ảnh hưởng của vấn đề xử lý rủi ro tín dụng.
Các mảng hoạt động chính của SaigonBank hầu như không có sự thay đổi so với năm 2017, thậm chí lợi nhuận khác còn gấp gần ba lần. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế vẫn giảm hơn 26% cùng kỳ. Lý do là khoản chi phí trích lập dự phòng rủi ro tăng gần 22% và chiếm tới 87% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh.
Đi cùng với kết quả này là giá trị nợ xấu nhóm 3-5 của SaigonBank có sự biến động mạnh trong năm 2018. Trong nửa đầu năm, nợ xấu của nhà băng này tăng hơn gấp đôi, lên gần 900 tỷ đồng. Tăng mạnh nhất là nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3). Nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng lần lượt 209% và 44%.
Tuy nhiên đến cuối năm, ngoại trừ nợ nhóm 3 tăng so với đầu năm, còn lại nợ nhóm 4 và 5 của ngân hàng này đều giảm mạnh. Tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank từ mức 6,48% tại cuối quý II đã giảm còn 2,2% khi kết thúc năm. Theo thuyết minh báo cáo tài chính, ngân hàng này đã sử dụng gần 287 tỷ đồng chi phí dự phòng trích lập trong năm để xử lý ngay rủi ro tín dụng.
Tổng tài sản của SaigonBank đến cuối năm 2018 giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, trong khi dư nợ cho vay khách hàng giảm hơn 3%.
Theo Minh Sơn (VnExpress.net)