Tuần rồi, Ngân hàng Sài Gòn - SCB vừa áp dụng biểu lãi suất mới. Trong đó mức lãi suất dành cho khách hàng gửi tiết kiệm online khá cao. Cụ thể, kỳ hạn từ 6 đến 12 tháng đều có lãi suất trên 8%. Riêng tiền gửi các kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng đang có cùng mức lãi suất cao nhất là 8,65% mỗi năm, cao hơn gửi tại quầy đến 0,9%.
Tại Ngân hàng Bản Việt, từ kỳ hạn 12 tháng lãi suất huy động ở mức 8% một năm, kỳ hạn 18 tháng là 8,5%. Từ kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động ở mức 8,6% một năm, nếu gửi online, mức lãi lên đến 8,7% mỗi năm. Đây là một trong những ngân hàng đang có lãi suất huy động cao nhất thị trường.
Bên cạnh tăng lãi suất cuối năm, các ngân hàng cũng khuyến mại, tặng quà nhằm thu hút vốn để đáp ứng nhu cầu vay tăng cao dịp sát Tết cũng như chuẩn bị nguồn vốn phát triển tín dụng khi được cấp hạn mức mới vào đầu năm 2019.
Như tại HDBank, khi mở mới thẻ tiết kiệm trong tháng 1 nhận được cộng thêm lãi suất 0,6%, lĩnh lãi định kỳ hoặc cuối kỳ. Ngoài ra, người gửi tiền còn có cơ hội bốc thăm trúng thưởng vàng hoặc các đồ dùng sinh hoạt như bình thủy tinh, nồi lẩu, máy xay sinh tố. Trong khi đó, với Ngân hàng Bản Việt, ngoài tăng lãi suất, người gửi tiền còn được tặng phiếu mua hàng.
Ghi nhận trên thị trường cho thấy một số ngân hàng lớn khác cũng đang áp dụng các chương trình thẻ cào may mắn hoặc quay số trúng thưởng ôtô, sổ tiết kiệm... để hút khách gửi tiền.
Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước trong một hội thảo vừa tổ chức, cho rằng lãi suất đang tăng chỉ mang tính chất mùa vụ nhiều hơn là vì thanh khoản. Theo ông, trong năm 2019, nếu thúc đẩy giải ngân được dòng vốn từ đầu tư công sẽ làm giảm áp lực lên lãi suất huy động.
Ông Anh cũng chia sẻ thêm, trong một khảo sát với các tổ chức tín dụng vừa được Ngân hàng Nhà nước hoàn tất cho thấy, 11/28 tổ chức tín dụng nhận định lãi suất sẽ đi xuống, 17/18 tổ chức tín dụng nói lãi suất sẽ tăng nhưng mức tăng không đáng kể. "Đây là tín hiệu tích cực khi các ngân hàng lạc quan với lãi suất", ông nói.
Trong khi đó, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn của Thủ tướng, nhìn nhận có nhiều áp lực lên lãi suất cho vay trong năm nay. Bởi năm 2019 Ngân hàng Nhà nước dự kiến áp tín dụng tăng 14% - lần đầu tiên cho thấy cơ quan này kiên quyết duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và không nao núng trước áp lực tăng trưởng kinh tế cũng như các ảnh hưởng bất lợi từ kinh tế thế giới.
Và theo ông Nghĩa, một khi tín dụng tăng thấp, cung tiền ra thị trường cũng tăng thấp, tạo áp lực lên lãi suất, cộng với đó là lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng, lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng đi lên... Nhưng đổi lại, mức tăng sẽ không quá cao bởi mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giữ ổn định lãi suất cho vay.
Chủ trương này là có cơ sở khi mới đây 4 "ông lớn" Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank cho biết từ ngày 10/1 sẽ đồng loạt áp dụng mức giảm lãi suất cho vay 0,5% mỗi năm đối với tất cả lĩnh vực ưu tiên.
Lãnh đạo các ngân hàng cũng khẳng định rằng, mức lợi nhuận đạt kỷ lục trong năm 2018 đều không phải do "tăng lãi suất cho vay". Với Agribank, ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 7.500 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. "Mức lợi nhuận tăng cao so với 2017 hoàn toàn không phải từ tăng lãi suất cho vay, chúng tôi đã giữ được lời hứa đầu năm là giảm lãi suất cho vay", ông nói. Trong khi đó, với Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cho biết nguồn thu từ phi tín dụng (phí dịch vụ) của nhà băng đã tăng đáng kể khi chiếm tỷ lệ 30%
Theo Lệ Chi (VnExpress.net)