Lợi nhuận khủng
Ngân hàng Thương mại cổ phẩn Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố lợi nhuận hợp nhất 2018 đạt 18.356 tỷ đồng, thực hiện đạt 138% kế hoạch do đại hội cổ đông đề ra và tăng 62% so với 2017.
Với mức lợi nhuận kỷ lục, Vietcombank đứng số 1 toàn ngành, bằng cả ngân hàng đứng thứ 2 và thứ 3 cộng lại.
Năm 2019, ngân hàng này đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 12%, tương ứng với quy mô khoảng 20.500 tỷ đồng. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng trên 60% như năm 2018, Vietcombank sẽ sớm đạt quy mô lợi nhuận tỷ USD ngay trong năm 2019.
Kết quả lợi nhuận 2018 của Vietcombank tăng cao là nhờ ngân hàng này tiếp tục đẩy mạnh hoạt động theo định hướng mua buôn bán lẻ với 3 trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư. Vốn huy động từ các nguồn giá rẻ tăng mạnh (vốn bán buôn) giúp ngân hàng giảm chi phí huy động vốn và gia tăng hiệu quả hoạt động.
Trong năm 2018, nợ xấu của Vietcombank xuống mức thấp nhất từ trước tới nay và thấp nhất trong các tổ chức tín dụng Việt Nam, dưới 1%. Huy động vốn đạt hơn 910,9 ngàn tỷ đồng, trong đó riêng huy động thị trường 1 đạt hơn 823,8 ngàn tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2017. Dư nợ tín dụng ở mức hơn 635 ngàn tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm trước và dưới mức trần quy định của NHNN. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ tăng mạnh từ 39,6% lên 46,2%. Dư nợ khách hàng FDI tăng 6,4% đạt hơn 41 ngàn tỷ đồng.
Trong năm 2018, Agribank cũng ghi nhận lợi nhuận kỷ lục: hơn 7,5 ngàn tỷ đồng nhờ thu hồi gần 12 ngàn tỷ nợ đã bán và đã xử lý rủi ro trong năm 2018 (chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý).
Theo đại diện Agribank, lợi nhuận của ngân hàng tăng cao so với năm 2017 không phải từ tăng lãi suất cho vay. Thực tế, ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng với khách hàng.
Mà lợi nhuận lớn đến từ tăng trưởng chung của nền kinh tế, tăng thu dịch vụ ở mức trên 20% và nhờ nợ xấu nội bảng về mức thấp: 1,51%.
Ngân hàng BIDV cũng ghi nhận lợi nhuận 2018 tăng 13% lên mức cao nhất từ trước tới nay: hơn 9,9 ngàn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt hơn 1,2 triệu tỷ trong đó dư nợ ngắn hạn chiếm 60,4% tổng dư nợ. Tổng huy động vốn đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiếm soát ở mức dưới 1,4% trên tổng dư nợ.
Với VietinBank, lợi nhuận cũng vượt kế hoạch đề ra nhưng so với 2017 thì giảm. Lý do là ngân hàng điều chỉnh nâng các tiêu chuẩn hoạt động, phân loại nợ theo các chuẩn mực mới và theo thông lệ quốc tế.
Năm 2018, nhiều ngân hàng nhỏ hơn cũng lợi nhuận khả quan. LienVietPostBank báo lợi nhuận trước thuế hơn 1,2 ngàn tỷ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm; TPBank đạt lợi nhuận trước thuế tăng gần gấp đôi so với năm 2017 lên gần 2,3 ngàn tỷ đồng; Sacombank đạt lợi nhuận hơn 2,2 ngàn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch,...
Năm 2019: Mở rộng và bán lẻ - át chủ bài của đại gia Việt
Trong 2018, hệ thống ngân hàng Việt Nam ghi nhận tố độ tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, chỉ ở mức 14%, thấp hơn con số 17% theo kế hoạch và theo đúng chính sách duy trì sự ổn định tài chính của NHNN.
Mặc dù tín dụng thấp nhưng lợi nhuận của nhiều ngân hàng tăng mạnh, như trường hợp Vietcombank, mà chủ yếu nhờ đẩy mạnh mảng bán lẻ. Thu nhập bán lẻ tăng nhanh khiến các ngân hàng đua nhau chuyển đổi từ mô hình cho vay truyền thống sang bán lẻ hiện đại bằng cách xây hệ sinh thái.
Đây cũng là điểm mới và là điểm đáng mừng đối với nhiều ngân hàng trong năm 2018. Lợi nhuận cao giờ không còn phụ thuộc vào tín dụng.
Nói về vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ngân hàng đạt mức lợi nhuận kỷ lục trong bối cảnh Vietcombank không sử dụng hết dư địa tăng trưởng tín dụng do NHNN giao.
Lý do là bởi, VCB đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu huy động vốn và sử dụng vốn. Mặt bằng lãi suất huy động ở VCB này thấp nhất thị trường và do đó tiết giảm chi phí. Việc kiểm soát chất lượng tín dụng tốt giúp dự phòng thấp, giúp ngân hàng không bị chôn nhiều vốn.
Đáng chú ý, Vietcombank có sự chuyển dịch về thu nhập khi mảng phi tín dụng chiếm tới 30%/tổng thu nhập ngân hàng.
Trong năm 2019, hạn mức tín dụng của toàn hệ thống khá eo hẹp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đạt ra là tương đương với 2018, tức khoảng 14%. Đây là một thông tin khiến nhiều ngân hàng lo ngại và phải tìm cách để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận.
Các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ, như một số đơn vị đã làm được trong mảng bán bảo hiểm. Trên thực tế, dư địa của mảng dịch vụ vẫn còn rất lớn bởi tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu của đa phần nhà băng mới chiếm 10 - 20%.
Mảng bán bán lẻ như cho vay tiêu dùng, cho vay hộ gia đình,... là lĩnh vực có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao nhất và là mảng sẽ có cạnh tranh cao trong năm 2019 trong bối cảnh sức ép giảm thu từ tín dụng. Cắt giảm chi phí cũng là ưu tiên của nhiều ngân hàng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh tăng vốn điều lệ, trong đó có bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, để đáp ứng các quy định về an toàn vốn và có cơ hội được giao hạn mức tín dụng cao hơn. Hầu hết các ngân hàng quốc doanh và có nguồn gốc quốc doanh đều đề xuất giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, thay vì nộp ngân sách và nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Theo M. Hà (VietNamNet)