Nhiều diễn biến ‘lạ’ trong đấu giá đất 2024

23/12/2024 07:29:00

Nếu năm 2023, công tác đấu giá đất gặp nhiều khó khăn khi không ít địa phương phải tạm dừng tổ chức các phiên đấu do không có người tham gia, thì năm 2024, việc đấu giá đất diễn ra rầm rộ và có nhiều diễn biến "lạ".

Loạt phiên đấu gay cấn, kéo dài hàng chục giờ

Năm 2024 sắp khép lại với nhiều “phiên chợ” đấu giá đất kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ, hồi hộp và gay cấn, mức giá trúng cao gấp hàng chục lần giá khởi điểm, nhiều trường hợp trả giá cao rồi bỏ cọc.

‏Một trong những phiên đấu giá đáng chú ý là cuộc đấu 68 thửa đất tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai (Hà Nội) ngày 10/8. Phiên đấu giá này gây bất ngờ với nhiều người dân tại đây. Phiên đấu giá thu hút hơn 1.500 người tham dự, hơn 4.200 hồ sơ. Mức trúng đấu giá từ hơn 51 triệu đến hơn 100 triệu đồng/m2, cao gấp 6-8 lần so với giá khởi điểm. 

Thế nhưng, đến hạn nộp tiền, có tới 55 trường hợp bỏ cọc, chiếm 80% số lượng người trúng đấu giá.

Cũng ở Hà Nội, cuộc đấu giá 19 thửa đất ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức gây “sốc” khi đấu xuyên đêm, tới gần 19 tiếng đồng hồ. Cuối cùng, giá trúng cao nhất đạt 133,3 triệu đồng/m2, gấp 30 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất cũng đạt 91,3 triệu/m2, gấp 12,5 lần giá khởi điểm. 

Nhiều diễn biến ‘lạ’ trong đấu giá đất 2024
Khu đất đấu giá xã Tiền Yên - xứ đồng Lòng Khúc, Hoài Đức (Hà Nội). Ảnh: Hồng Khanh

Tương tự, phiên đấu giá 27 lô đất tại các phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội, quận Hà Đông diễn ra ngày 19/10 cũng kết thúc sau 15 giờ đồng hồ. Trong đó, lô đất trúng cao nhất lên tới hơn 262 triệu đồng/m2, gấp 8 lần giá khởi điểm. Giá trúng thấp nhất đạt gần 133 triệu đồng/m2. 

Đáng chú ý, cuộc đấu giá 58 thửa đất ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) diễn ra ngày 29/11 gây xôn xao dư luận khi người tham gia trả giá tới trên 30 tỷ đồng/m2.

Theo quy chế, phiên đấu giá đất tại Sóc Sơn sẽ có 6 vòng bắt buộc. Tuy nhiên, điều bất thường đã xảy ở vòng đấu thứ 5 khi một khách hàng đã trả giá cho 3 lô đất tới mức 30 tỷ đồng/m2, cao gấp khoảng 12.000 lần mức giá khởi điểm. Đến vòng 6, vòng cuối cùng để xét giá trúng, người này không trả giá. Kết quả, 36 trong tổng số 58 lô đất đấu giá không thành.

Công an TP Hà Nội xác định 5 đối tượng liên quan vụ trả giá 30 tỷ đồng/m2 nói trên cấu thành tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản nên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam.

Hay tại huyện Thanh Oai, phiên đấu giá 22 lô đất thôn Văn Quán, xã Đỗ Động ngày 30/11 cũng bất thành. Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, các vòng đấu đầu tiên vẫn diễn ra bình thường, giá khởi điểm khoảng 5,3 triệu đồng/m2; nhưng đến vòng thứ 8 khi giá trả cao nhất ở mức 70,3-80,3 triệu đồng/m2 thì khách hàng đồng loạt bỏ cuộc, không trả giá tiếp nên các lô đất đấu giá không thành công.

Mức hấp dẫn của đất đấu giá, diễn ra ở một số tỉnh ven Hà Nội, đã thu hút hàng nghìn hồ sơ tham gia.

Đơn cử, tại‏‏ Bắc Giang, ‏‏phiên đấu giá 72 lô đất tại thị trấn Tân An, huyện Yên Dũng vào ngày 17/8 có 339 khách hàng, với gần 1.000 hồ sơ tham gia. Kết quả, tổng giá trúng toàn bộ các lô đất là hơn 181 tỷ đồng; trong đó lô có giá trúng cao nhất là hơn 5 tỷ đồn‏‏g‏‏. 

Nhiều diễn biến ‘lạ’ trong đấu giá đất 2024 - 1
Bàn tư vấn ngay bên ngoài khu vực tổ chức tại một cuộc đấu giá đất ở huyện Thanh Oai. Ảnh: P.T

Hay phiên đấu giá 355 lô đất ở tại các xã Song Mai, Song Khê và Đồng Sơn, TP Bắc Giang ngày 27/10‏‏,‏‏ có 603 khách hàng đăng ký tham gia với tổng số 2.324 hồ sơ. Kết quả, có 271 lô đất được đấu giá thành công với tổng giá trúng hơn 608,7 tỷ đồng, chênh 167,7 tỷ đồng so với giá khởi điểm.

Tại Ninh Bình, phiên đấu giá 129 thửa đất ở tại khu dân cư Đồi Mây - Liên Phương, xã Thạch Bình, huyện Nho Quan ngày 19/8 đã thu hút 259 người tham gia, với 1.825 hồ sơ đủ điều kiện. Sau 3 vòng trả giá, 128 thửa đất đã tìm được chủ với tổng giá trúng khoảng 84,6 tỷ đồng.

Nhiều chỉ đạo “nóng” về đấu giá đất

Không ít ý kiến cho rằng, các phiên đấu giá với giá trúng cao bất thường vừa qua sẽ tạo ra những cơn sốt ảo trên thị trường, đẩy giá bất động sản lên một mặt bằng mới cao hơn và khó kiểm soát.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện 134 yêu cầu các bộ liên quan, các địa phương kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất. Phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường. 

Trước khi xác định giá khởi điểm theo bảng giá đất phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất phải tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung giá đất tương ứng trong bảng giá đất tại khu vực, vị trí tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật về đất đai, bảo đảm giá khởi điểm đưa ra đấu giá phải phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng đã đầu tư và mặt bằng giá đất thực tế tại khu vực tổ chức đấu giá.

Lưu ý về quy định rút ngắn thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xác định mức tiền phải nộp lần đầu phù hợp để hạn chế tình trạng bỏ cọc; chỉ đạo đơn vị được giao tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, tổ chức hành nghề đấu giá tài sản lựa chọn hình thức, phương thức đấu giá phù hợp để hạn chế hành vi thông đồng, dìm giá hoặc thổi giá.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng trong việc tổ chức, thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của các bên liên quan.

UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương cần đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả của việc giao đất và cho thuê đất thông qua đấu giá. Đặc biệt, các đơn vị tránh tổ chức đấu giá tại những khu vực có giá khởi điểm thấp, không đủ bù đắp chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Những khu đất như vậy có thể được chuyển đổi mục đích sử dụng để phục vụ tái định cư hoặc xây dựng công trình công cộng, góp phần hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Theo Nguyễn Lê (VietNamNet)