Người trả 30 tỷ đồng/m2 đất ở Hà Nội nói gì trong hôm đấu giá?

09/12/2024 19:41:34

Trước khi bị bắt, trong phiên đấu giá ngày 29/11, Phạm Ngọc Tuấn nói rằng tham gia phiên đấu giá vì có nhu cầu thật.

Trả giá lên đến 30 tỷ/m2 đất "theo ý chí của bản thân"

Cuối tháng 12 này, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) sẽ tổ chức đấu giá lại 36 thửa đất mà trước đó một nhóm đối tượng trả đến 30 tỷ đồng/m2 rồi bỏ ngang.

Nhóm đối tượng gồm: Phạm Ngọc Tuấn, Ngô Văn Dương, Nguyễn Đức Thành, Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân. 5 người này đang bị Công an Hà Nội tạm giữ để điều tra hành vi vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.

Người trả 30 tỷ đồng/m2 đất ở Hà Nội nói gì trong hôm đấu giá?
Các đối tượng bị tạm giữ sau phiên đấu giá đất (Ảnh: CACC).

Được biết các thửa đất có diện tích khoảng 90-220,6 m2, giá khởi điểm hơn 2,4 triệu đồng mỗi m2. Người tham gia phải nộp khoản tiền đặt trước từ 44 triệu đồng đến hơn 109 triệu đồng cho một lô.

Cuộc đấu giá được tổ chức trực tiếp, phải trải qua tối thiểu 6 vòng bắt buộc, bước giá 3 triệu đồng mỗi m2. Khách hàng trả giá cao nhất tại vòng 6 sẽ là người trúng đấu giá.

Tờ VnExpress dẫn lại báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn cho biết, trong phiên đấu giá không thành công trước đó thì tại vòng thứ 5, một số thửa đất được người tham gia trả giá cao bất thường. Trong đó, Phạm Ngọc Tuấn (33 tuổi, trú tại tổ 4, thị trấn Đông Anh) trả 30 tỷ đồng/m2 cho 3 thửa đất (số A12, A13, C6).

Chia sẻ với báo trên tại buổi đấu giá hôm 29/11, Tuấn cho biết tham gia phiên đấu giá vì có nhu cầu thật. Tuấn lựa chọn lô hướng Tây vì hợp mệnh với người thân và cho rằng quỹ đất còn thửa diện tích 150-200 m2 ở Hà Nội không còn nhiều. Tuy nhiên, Tuấn nói "không nghĩ cuộc chơi lại khốc liệt đến như vậy". Khi phiên đấu đến vòng thứ 4 xuất hiện người trả mức giá 95 triệu đồng một m2 khiến hội trường bất ngờ.

Cuối cùng, Tuấn quyết định trả giá lên đến 30 tỷ/m2 đất tại Sóc Sơn "theo ý chí của bản thân, không cần biết mức đó là cao hay thấp". Sau đó, không khí phiên đấu giá diễn ra hỗn loạn, "nhiều người lăng mạ, chửi bới" nên Tuấn trả mức như trên rồi quyết định dừng lại. Tuấn cho biết "không có ý định phá phiên đấu giá", nếu không xảy ra tình trạng hỗn loạn trên, người này "thậm chí muốn lấy một lô ở vòng 6".

Sau khi bị bắt, tại cơ quan công an, Phạm Ngọc Tuấn khai nhận: "Lúc đầu em định đi đấu giá nếu được mảnh đất em sẽ bán ăn chênh được vài chục đến 100 triệu/mảnh. Em thấy cái quy chế này nó không được đầy đủ cho lắm, em mới nghĩ ra việc đẩy giá cao. Giá khởi điểm ở vòng 5 rơi vào khoảng 17 triệu/m2 thì em viết là 30 tỷ để em giữ lại và em sẽ đấu ở phiên sau...

... Vòng 1 vòng 2 em hỏi trực tiếp bạn phát phiếu là “em ơi nếu chẳng may anh viết nhầm là 50-60 triệu" thì vòng sau anh không muốn tham gia nữa có được không” thì bạn ý cũng bảo được không sao cả anh ạ. Việc này cũng làm em chủ quan hơn và nghĩ mình không sai luật, mình viết bao nhiêu cũng được", tờ An ninh TV dẫn lời khai của đối tượng Tuấn.

Phân tích về trường hợp trên với tờ Dân việt dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết, trường hợp nhóm người tham gia đấu giá có hành vi thông đồng với nhau để dìm giá khi đấu giá quyền sử dụng đất nhằm trục lợi thì vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

Cơ quan chức năng có căn cứ để xử lý về tội vi phạm quy định về hoạt động đấu giá tài sản theo Điều 218 Bộ luật hình sự 2015. Trường hợp bị chứng minh là có tội, nhóm người vi phạm có thể phải đối mặt với khung hình phạt lên tới 5 năm tù.

Chuyên gia hiến kế bịt kẽ hở, ngăn tình trạng nhiễu loạn đấu giá đất

Việc nhóm người có hành vi trả giá đất cao gấp hàng trăm lần thực tế rồi bỏ cuộc đã gây rối loạn thị trường và ảnh hưởng đến công tác quản lý của cơ quan chức năng. Vậy có cách nào để chấm dứt tình trạng này?

Phân tích trên tờ An ninh Thủ đô, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, lợi dụng kẽ hở để làm nhiễu loạn thị trường đấu giá đất là hành vi rất tinh vi của nhóm đối tượng chuyên đầu cơ đất để “lướt sóng”, bán sang tay kiếm chênh lệch hoặc đẩy giá cho khu vực xung quanh.

Từ việc lợi dụng cách tính giá khởi điểm ở mức thấp chưa từng có, nhóm này dễ dàng tham gia các phiên đấu giá với số lượng đông. Do tiền đặt cọc đấu giá thấp, nếu bán chênh thành công có thể thu lãi từ 100 - 500 triệu đồng/thửa đất thì đây là lợi nhuận hấp dẫn các đối tượng đầu cơ trong bối cảnh thị trường nhà đất còn khó khăn như hiện nay.

Do đó, đấu giá đất cần được xem là mặt hàng đặc biệt và phải có chế tài mạnh hơn để xử lý các sai phạm như bỏ cọc, bỏ đấu giá.

Về lâu dài, giải pháp áp thuế bất động sản theo năm sở hữu như đề xuất của Bộ Tài chính sẽ giúp giảm bớt động lực mua bán để đẩy giá của nhóm đầu cơ “lướt sóng”, phù hợp thông lệ quốc tế.

Người trả 30 tỷ đồng/m2 đất ở Hà Nội nói gì trong hôm đấu giá? - 1
Khu đất đấu giá được trả 30 tỷ đồng/m2 ở xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn vào ngày 29/11 vừa qua (Ảnh: An ninh Thủ đô).

Hiến kế để xử lý các kẽ hở khi trao đổi với VTV, luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, cần có cơ chế buộc người tham gia đấu giá phải chịu trách nhiệm ngay từ vòng đầu tiên. Bởi hiện nay, nhà nước mới chỉ có quy định về đặt cọc, nhưng mức đặt cọc này chưa đủ lớn để ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, cần yêu cầu người tham gia đấu giá phải chứng minh năng lực tài chính, giống như các doanh nghiệp bất động sản thường yêu cầu người mua đặt cọc hoặc chứng minh khả năng thanh toán 100% giá trị tài sản. Quy định chặt chẽ như vậy sẽ buộc người tham gia đấu giá phải nghiêm túc hơn, hạn chế tình trạng đẩy giá ảo và phá hoại kết quả đấu giá như hiện nay.

Theo Duy Anh (Nguoiduatin.vn)