Là nhân viên của một doanh nghiệp truyền thông tại Hà Nội, thu nhập của chị Nguyễn Thị Thu (29 tuổi, ở phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm) xấp xỉ 18 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, vì đại dịch COVID-19, thu nhập của chị Thu và các đồng nghiệp cũng bị giảm gần một nửa.
Chị Thu cho biết: "Mặc dù tổng lương của hai vợ chồng gần 30 triệu đồng/tháng nhưng bây giờ kinh tế khó khăn, nguồn thu của công ty bị chững lại mà nguồn chi vẫn phải duy trì, nên ở thời điểm này, thu nhập của chúng tôi chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Chưa kể mỗi tháng, chúng tôi phải đóng tiền căn hộ chung cư vay của ngân hàng gần 8 triệu đồng nên việc sinh hoạt, chi tiêu của gia đình tôi gần như phải căn cơ, chặt chẽ hơn trước rất nhiều".
"Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, khi dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng cao, chúng tôi dần thay thế thịt lợn bằng các loại thực phẩm tươi sống khác như thịt gà, vịt, ngan và hải sản (loại bình dân). Đến khi có dịch COVID-19, giá thịt lợn không chịu hạ nhiệt thì cũng đã khá lâu rồi, bữa cơm của gia đình tôi không có thịt lợn", chị Thu cho hay.
Theo chị Thu, như thịt vịt, ngan chỉ dao động từ 75.000 – 86.000 đồng/kg, thịt gà thì dao động từ 110.000 – 120.000 đồng/kg đối với gà ta và 70.000 – 75.000 đồng/kg đối với gà công nghiệp. Ngoài ra, cá nước ngọt cũng không cao, như cá chép chỉ có giá từ 70.000 – 75.000 đồng/kg, cá rô phi chỉ từ 30.000 – 35.000 đồng/tùy loại to nhỏ, cá mè, cá trắm từ 80.000 – 95.000 đồng/kg.
Theo chị Thu, việc đa dạng các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong bữa cơm gia đình không hẳn vì kinh tế eo hẹp, mà bởi giá thịt lợn đang "bất chấp" yêu cầu của Thủ tướng về việc bình ổn giá. Việc sử dụng các mặt hàng thực phẩm tươi sống khác để thay thế thịt lợn vẫn đảm bảo giá trị dinh dưỡng cho cả gia đình.
Tương tự, bà Vũ Thị Kim Hồng (54 tuổi, ở Nhân Chính, Thanh Xuân) cho biết, mặc dù thịt lợn không thể thiếu trong tất cả bữa ăn của gia đình, nhất là khi cháu nội của bà Hồng mới chỉ được vài tháng tuổi, thế nhưng, nếu xét ở góc độ là chất dinh dưỡng chính có trong thịt lợn là chất đạm thì hầu hết, chất đạm có mặt ở tất cả các thực phẩm tươi sống khác. Chính vì vậy, thỉnh thoảng, trong bữa cơm của gia đình bà Hồng mới có món ăn từ thịt lợn.
TS Phan Thế Đồng - Khoa công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Hoa Sen) cho biết, khi giá thịt lợn leo thang từng ngày thì người dân có thể sử dụng các thực phẩm tươi sống khác có giàu nguồn protein để thay thế. Đơn cử như tôm, cua, trứng, thịt gà, thịt bò và các loại hạt…
TS Phan Thế Đồng cho biết, các loại thịt đỏ có hàm lượng đạm và sắt nhiều hơn, ví dụ 100 gram thịt lợn thì có 16,5g đạm, 21,5g mỡ… trong khi đó, với trọng lượng tương đương thì thịt bò chứa nhiều vi chất hơn cả. Hoặc mặt hàng hải sản như cá nước ngọt, cá biển thì có chứa nhiều Omega 3, 6, 9 rất tốt cho mắt và hệ tim mạch.
Ngoài ra các thực phẩm thực vật như đậu đen, đậu tương, đậu xanh, lạc, vừng... có hàm lượng đạm cao hơn nhiều lần so với đạm trong thịt. Đơn cử chỉ với 100gr đậu tương đã chúa 34gr đạm, hay trong 100gr lạc có tới 27,5gr đạm.
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)