Theo phản ánh của trên báo Pháp luật TP HCM, giá gà bán tại trại ở Đồng Nai và một số tỉnh Đông Nam Bộ hiện nay chỉ ở mức 8.000 -8.500 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết: "Giá gà đang rẻ như rau, 3 kg gà chỉ bán được 24.000 đồng, giá chỉ 8.000 đồng/kg thì người nuôi gà đang lỗ nặng".
Mức giá như trên được cho là thấp nhất từ trước tới nay. Ông Nguyễn Văn Ngọc cho rằng, với mức giá này, người nuôi gà đang lỗ rất nặng, bởi giá thành hiện từ 23.000-24.000 đồng/kg. Mỗi kg thịt gà, người nuôi lỗ khoảng 15.000 đồng/kg, mỗi con gà 3 kg thì người nuôi lỗ 45.000 đồng/con. Tính ra trại nào xuất bán mỗi lứa vài chục ngàn con lỗ hàng trăm đến hàng tỉ đồng.
Ở Hà Nội, gà công nghiệp bình quân giảm chỉ còn khoảng 30.000 đồng/kg; gà mía Sơn Tây giá cao hơn một chút, nhưng cũng chỉ 85.000 đồng/kg, giảm 10.000 -15.000 đồng/kg so với trước. Giá gà giảm nhưng sức mua tại các chợ dân sinh cũng không nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng bán buôn cũng khá chậm.
Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại quận Cầu Giấy cũng cho biết trên Lao Động, chị kinh doanh mặt hàng thịt lợn, nhưng vẫn lấy thêm thịt gà công nghiệp về bán nhằm kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, khoảng 10 ngày nay thịt gia cầm rất khó bán dù giá giảm khá mạnh.
"Hơn 1 tháng trước đây tôi bán tỏi đùi gà công nghiệp với giá 80.000 đồng, thậm chí có ngày bán được với giá 90.000 đồng/kg, giờ giá 70.000 đồng/kg vẫn khó bán. Như ngày hôm nay, tôi mang đi 2 con ngan, 2 con vịt và một ít gà công nghiệp, nhưng hầu như không bán được, phải mang về chợ quê ở huyện Mê Linh để bán" - chị Tuyết cho biết.
Mặc dù thịt gà xuất trại giảm giá mạnh nhưng giá thịt trong các siêu thị, chợ dân sinh không giảm nhiều nên không kích cầu được nhu cầu tiêu dùng khiến gà tồn trong các trang trại tăng cao.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cung đang vượt cầu. Đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa qua khiến nhiều hộ nuôi lợn chuyển qua nuôi gà, khiến số lượng đàn gia cầm tăng lên cao nhất trong năm với khoảng trên dưới 6%.
Trong khi đó nhu cầu lại giảm mạnh do dịch bệnh COVID-19, từ sau Tết, các tỉnh, thành phố vẫn chưa cho học sinh đi học trở lại, nhiều công ty giảm thời gian làm việc, lao động phải làm việc ở nhà hoặc nghỉ việc tạm thời... Mà đây mới là nguồn tiêu thụ chính của thịt gia cầm qua các bếp ăn tập thể.
Bởi vậy, để "giải cứu" đàn gia cầm cho các hộ chăn nuôi, người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen dùng thịt lợn bằng thịt gà, vừa có thể cần bằng chi tiêu trong khi giá thịt lợn đang cao ngất ngưởng, vừa giúp ổn định giá thịt lợn trên thị trường.
Theo Lily (Giadinh.net.vn)