Mỗi địa phương một giá
Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị liên quan bình ổn giá thịt lợn, đặc biệt là giá thịt lợn hơi phải xuống mức thấp hơn 70.000 đồng/kg, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 gây nhiều khó khăn. Tuy nhiên khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội tại một số địa phương cho thấy, giá thịt lợn hơi vẫn đang ở ngưỡng 75.000 - 80.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá thịt lợn hơi ở ngưỡng 75.000 đồng/kg. Một số địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Hà Nam… giá lợn hơi cập kề ngưỡng 82.000 đồng/kg…
Thông tin nhanh tới PV, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Nội cho biết, thành phố đang có 12 doanh nghiệp chăn nuôi chuyên cung ứng thịt lợn cho người dân trên địa bàn. Nguồn cung luôn dồi dào, tuy nhiên về mức giá bán, Sở NN&PTNT đã nhiều lần đề nghị giảm mức giá thịt lợn hơi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi. Ông Mỹ cho biết: "Giá thịt lợn hơi xuất chuồng tại 12 doanh nghiệp chăn nuôi trên địa bàn là khoảng 75.000 đồng/kg".
Còn ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết, trên địa bàn hiện nay có hơn 200 trang trại chăn nuôi lợn. Nguồn cung phục vụ cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh thì luôn dồi dào, bởi Phú Thọ vừa tập trung chống dịch, vừa tập trung tái đàn.
"Giá thịt lợn cũng thay đổi từng ngày. Hiện tại, giá lợn hơi tại các trang trại đang dao động từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các trang trại cao hơn giá mua tại các hộ dân từ 2-3 giá", ông Sơn nói.
Cũng cùng thang giá thịt lợn, ông Nguyễn Đình Thiện, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục, Hà Nam) cho biết, giá thịt lợn trên địa bàn đang dao động từ 77.000 – 78.000 đồng/kg. "Nguồn lợn hơi trên địa bàn xã Ngọc Lũ chủ yếu là do người dân tự tái đàn, chăn nuôi. Từ khi dịch tả lợn châu Phi gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế cho người dân thì nhiều hộ dân "rón rén" tái đàn bằng cách nuôi lợn nái chứ không nhập lợn giống. Giá thịt lợn thành phẩm bán tại các chợ dân sinh dao động ở ngưỡng 120.000 - 150.000 đồng/kg, tùy loại thịt. Tuy nhiên, giá lợn hơi lại có chiều hướng nhỉnh lên, chạm ngưỡng gần 80.000 đồng/kg", ông Thiện cho biết.
Ai phải chịu trách nhiệm?
Ông Chu Phú Mỹ thừa nhận giá thịt lợn hơi trên địa bàn TP Hà Nội đang ở ngưỡng cao và với mức giá 75.000 đồng/kg như hiện nay thì 12 doanh nghiệp chăn nuôi có lãi rất nhiều. "Giá thành chỉ khoảng 40.000 - 42.000 đồng/kg là hợp lý. Nếu từ 75.000 đồng/kg lợn hơi xuất tại chuồng và qua các khâu trung gian, đến lò mổ rồi phân phối đến thị trường thì giá sau cùng đến tay người tiêu dùng từ 140.000 - 160.000 đồng/kg là quá đắt", ông Mỹ cho biết.
Theo khảo sát của PV, giá thịt lợn thành phẩm được bày bán tại một số hệ thống siêu thị như Meat Deli, Vinmart… đều dao động từ 129.900 - 440.000 đồng/kg tùy loại. Trong khi đó, giá thịt lợn tại các chợ dân sinh ở mức từ 100.000 - 160.000 đồng/tùy loại.
Đánh giá về sự vênh giá thịt lợn, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú thẳng thắn: "Vai trò và trách nhiệm chính thuộc về Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT. Bộ Công thương liên quan đến giá cả sản phẩm. Bộ NN&PTNT liên quan đến nguồn cung, tái đàn. Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo về công tác bình ổn giá thịt lợn, đưa giá thịt lợn hơi về ngưỡng thấp nhất có thể để hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn trước tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, những vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ. Giá lợn thành phẩm hơn giá thịt lợn hơi là bởi lợn qua quá nhiều khâu trung gian. Bao gồm thương lái, công ty liên kết, lò mổ, đơn vị/cá nhân bán buôn, bán lẻ… khiến giá lợn móc hàm tăng từ 50 - 60%. Rõ ràng, người tiêu dùng có được thịt lợn trong bữa ăn phải chi trả thêm rất nhiều tiền. Điều này cho thấy, việc kiểm soát các khâu trung gian trong bình ổn giá thịt lợn vẫn còn nhiều bất cập. Vấn đề đáng nói ở đây là, lỗ hổng này đã được nhìn ra từ rất lâu, song dường như chưa thấy sự sát sao vào cuộc tháo gỡ từ các Bộ, ngành".
Cũng theo ông Phú, việc giảm giá thịt lợn về mức hợp lý là giải pháp hết sức quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội trước diễn biến dịch COVID-19. Chính phủ đã rất quan tâm chỉ đạo nhưng việc tổ chức thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Điều này không chỉ đòi hỏi cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa từ các đơn vị liên quan, mà còn phải có sự chung tay từ các doanh nghiệp chăn nuôi.
Ông Phú thẳng thắn: "Mua bán trên thị trường là sự thỏa thuận giữa hai bên. Nhưng những hành động vô cảm trong lúc khó khăn chung của mọi người để hưởng lợi nhuận quá mức vô lý, nhất là trong khi Chính phủ đã kêu gọi phải liên kết, phải chia sẻ, kể cả chia sẻ lợi nhuận thì những hành vi như trên cần phải bị lên án và phải có những giải pháp mạnh để giải quyết dứt điểm. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa có hồi kết. Khi mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh thì các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh ở thị trường nội địa phải chung sức, chung lòng, phải chia sẻ trước những khó khăn chung của xã hội, xứng đáng với truyền thống yêu nước và đại đoàn kết dân tộc mà cha ông ta đã để lại cho chúng ta và muôn đời sau. Những sự chia sẻ đúng mức trong lúc khó khăn chính là tạo dựng thương hiệu, tạo dựng niềm tin trong các doanh nghiệp trong thời kì đại dịch COVID-19".
Theo Bảo Loan (Giadinh.net.vn)