Người vay kéo nhau vào hội nhóm 'bùng' nợ, hệ lụy không chỉ ngân hàng gánh

19/07/2024 09:21:03

Trên mạng xã hội, nhiều hội, nhóm kín đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” tín dụng tiêu dùng, không ít khoản vay bị chuyển thành nợ xấu, khó đòi.

Tại hội thảo “Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” ngày 18/7, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, tổng dư nợ cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. 16 tổ chức tín dụng (TCTD) có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn đang có trên 30 sản phẩm tín dụng tiêu dùng.

Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn cho rằng, hoạt động tín dụng tiêu dùng vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều thách thức. Gần đây xuất hiện tình trạng tội phạm lợi dụng môi trường mạng xã hội, tổ chức nhiều hội nhóm truyền bá, hướng dẫn nhau cách không phải trả nợ cho TCTD. Các công ty mạo danh, lừa đảo… đã làm ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng tiêu dùng. 

Nói về thực trạng này, bà Mai Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết trên môi trường MXH có nhiều hội nhóm, kín đăng tải các bài viết, video lôi kéo, hướng dẫn cách “bùng nợ” khi vay qua TCTD khiến không ít khoản vay bị chuyển nhóm nợ xấu, nợ khó đòi.

Người vay kéo nhau vào hội nhóm 'bùng' nợ, hệ lụy không chỉ ngân hàng gánh
Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: SBV.

TS. Nguyễn Thị Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho biết các đối tượng cho vay nặng lãi thành lập các công ty bình phong để che giấu hoạt động tội phạm, giả mạo các ngân hàng, công ty tài chính nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

“Công ty tài chính, ngân hàng ngoài việc phải gồng mình để tự bảo vệ mình trước nguy cơ hình ảnh, uy tín bị phá vỡ, còn phải đương đầu xử lý các tác động pháp lý liên đới. Trong khi đó, người vay tham gia vào các hội nhóm “rủ nhau bùng nợ” dẫn đến các hành động phi pháp, gây khó khăn cho ngân hàng, công ty tài chính”, bà Hiền nói.

Theo bà Hiền, nhiều người còn chưa nhận thức đầy đủ hậu quả của việc không trả nợ, hay để nợ quá hạn. Người dân có xu hướng ý thức rõ hơn về các hậu quả trực tiếp, như là phải chịu trách nhiệm pháp lý, bị khóa thẻ tín dụng…, nhưng lại mù mờ hơn trong các hậu quả dài hạn hoặc là gián tiếp, như gặp khó khăn trong lần vay sau, bị ảnh hưởng đến điểm tín dụng, phải chịu các lãi suất và phí trễ hạn.

Ngoài ra, bà Mai Thị Trang cho rằng, hoạt động cho vay tiêu dùng gặp nhiều khó khăn như nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Đối tượng khách hàng thường là người lao động có thu nhập thấp hoặc trung bình, không có tài sản thế chấp nên rủi ro tín dụng và lãi suất cho vay cao hơn, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu.

Người dân tại các vùng sâu, vùng xa vẫn tìm đến các đối tượng cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, từ đó phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tài chính tiêu dùng do người vay nhầm tưởng các đối tượng cho vay là TCTD;...

Theo bà Trang, thời gian tới NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng KHCN, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất hợp lý.

NHNN cũng sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng và hành lang pháp lý hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)