Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ

15/03/2024 08:19:48

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu bị biến thành món nợ 8,8 tỷ gây nhiều tranh cãi. Nợ xấu để lại hệ luỵ cho cả người vay lẫn ngân hàng. Chủ thẻ tín dụng cần lưu ý gì để không phải rơi vào tình huống bị đòi những khoản nợ không tin nổi?

Lãi phạt trả chậm sẽ không dừng lại

Một khách hàng nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu mở tại Eximbank Chi nhánh Quảng Ninh vì chưa từng trả nợ cả gốc lẫn lãi nên từ nợ gốc năm 2013, sau 11 năm, lãi chồng lãi khiến khoản nợ 8,5 triệu tăng lên 8,8 tỷ đồng.

Dù vụ việc này chưa đi đến hồi kết để phân định đúng sai, song qua đây cũng phần nào cho thấy, không phải người dùng thẻ nào cũng ý thức được mức độ nghiêm trọng của việc không thanh toán nợ cho ngân hàng.

Các khoản nợ vay tiêu dùng từ thẻ tín dụng thường không có tài sản đảm bảo. Các ngân hàng cũng luôn trong tình trạng “đau đầu” với những khoản nợ xấu này.

Trao đổi với PV.VietNamNet, đại diện truyền thông của một ngân hàng thương mại cho biết trong trường hợp khách hàng không đủ tài chính để thanh toán nợ tín dụng quá hạn, nhà băng sẽ xem xét dựa trên đề nghị của khách hàng và chính sách của ngân hàng để đưa ra phương án giải quyết tối ưu nhất. 

“Nợ vay tiêu dùng luôn là khoản nợ khó đòi nhất. Không ít khách hàng có ý định “bùng” ngay từ ban đầu nên sau khi quẹt hết hạn mức thẻ là tìm cách trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Thật ra, ngân hàng luôn hỗ trợ khách hàng trả nợ và chỉ ưu tiên thu hồi nợ gốc mà thôi”, vị này cho biết.

Tại VietinBank, ngân hàng đang rất muốn bán các khoản nợ vay tiêu dùng để thu hồi nợ do các khoản nợ xấu này đã bị nhảy nhóm 5 (không có khả năng thu hồi).

Mới đây, ngày 1/3, nhà băng này thông báo bán các khoản nợ vay tiêu dùng của 500 khách hàng cá nhân. Danh sách này tăng lên gần gấp đôi so với thông báo bán nợ vay tiêu dùng hồi tháng 11 năm ngoái và gấp 6 lần so với danh sách công bố hồi tháng 6/2022.

Các khoản nợ này trị giá từ vài triệu đồng đến 150 triệu đồng và đều không có tài sản đảm bảo. 

Trong thông báo bán nợ, các ngân hàng cho biết, giá trị sổ sách của khoản nợ thường được xác định tại một thời điểm trước ngày rao bán nợ. Nợ lãi và lãi phạt trả chậm vẫn tiếp tục phát sinh cho đến khi khoản nợ được bán hoặc khách hàng thanh toán hết nợ gốc và lãi.

Nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ: Cần biết để không 'lụt nợ' vì thẻ
Khách hàng cần nắm rõ chính sách của ngân hàng khi dùng thẻ tín dụng. Ảnh: Nam Khánh

Lãi suất phạt quá hạn cao chót vót

Trở lại với câu chuyện vay qua thẻ tín dụng, các ngân hàng đều có chính sách 45-55 ngày miễn lãi cho người sử dụng. Sau thời gian được hưởng miễn lãi, nếu khách không thanh toán sẽ bị coi là nợ thẻ tín dụng quá hạn.

Quá hạn dù chỉ 1 ngày vẫn sẽ bị tính phí phạt, thông thường là khoảng 5% và lãi suất 20-40% của số dư nợ tối thiểu, tùy ngân hàng.

Mức lãi suất cũng được các ngân hàng áp dụng với từng loại thẻ khác nhau. Lãi suất tại Techcombank từ 19,8-38,8%/năm, tại VPBank từ 26,68-45%/năm, tại VIB từ 14,64-35,52%/năm, tại MB từ 12-22,9%/năm.

Tùy vào tình trạng trễ hạn mà khoản nợ sẽ bị áp dụng lãi suất khác nhau, cụ thể với Techcombank như sau:

Giai đoạn 1 (nợ quá hạn trong vòng 60-70 ngày): Khoản dư nợ tối thiểu sẽ bị tính phí phạt trả chậm 5% và lãi suất quá hạn 20-40% (tuỳ từng loại thẻ). Số dư nợ còn lại vẫn được tính lãi suất trong hạn.

Giai đoạn 2 (nợ quá hạn hơn 60-70 ngày): Toàn bộ khoản nợ sẽ bị tính lãi suất quá hạn 20-40% và phí phạt trả chậm 5%.

Căn cứ theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN, những khoản nợ từ 2 triệu đồng trở lên và quá hạn trong vòng 36 tháng là ngân hàng có thể lập hồ sơ khởi kiện.

Tuy nhiên, đây chỉ là trường hợp bất khả kháng, ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng trả nợ theo quy định của từng ngân hàng. 

Đồng thời, khi trường hợp này xảy ra, thông tin khoản nợ của khách hàng sẽ bị chuyển thành nợ xấu trên hệ thống CIC, bị cấm tham gia bất kỳ khoản vay nào khác tại ngân hàng.

Bên cạnh đó, cho dù đã thanh toán dư nợ xong nhưng lịch sử đã vướng nợ xấu thì khách hàng sẽ mất từ 2-5 năm để xây dựng lại điểm tín dụng, sau đó mới có thể tiến hành vay vốn ngân hàng. 

Trong khoảng thời gian xây dựng tín dụng, khách hàng cũng sẽ bị hạn chế tham gia tất cả khoản vay tại các ngân hàng và công ty tài chính.

Làm gì để tránh nợ thẻ tín dụng quá hạn khi dùng?

Đăng ký dịch vụ thanh toán tín dụng tự động (trích nợ tự động) để không bị quên hoặc trễ hạn thanh toán mỗi tháng.

Thiết lập thông báo thanh toán bằng văn bản hoặc email để luôn được nhắc thanh toán đúng hạn. 

Tự chọn 1 ngày cố định thanh toán trong tháng để dễ ghi nhớ hơn, tránh trường hợp quên ngày gây trễ hạn.

Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)