Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện mới đây cho biết, theo nhận định của các Tổ chức tín dụng, trong quý III/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức "thấp" và "giảm" so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Chị Hòa (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trước đây, hàng tháng khi nhận được lương và tiền từ cho thuê nhà trọ, chị đều dành phần tiền nhàn rỗi không dùng đến để gửi vào ngân hàng với lãi suất 7-8%/năm. Tuy nhiên, kể từ khi dịch bệnh xảy ra, lãi suất tiền gửi xuống rất thấp, gửi kỳ hạn 1 năm cũng không đến 6%/năm và dưới 6 tháng chỉ còn không đến 4%/năm. Trong khi đó, nghe bạn bè chia sẻ đầu tư vào chứng khoán một tháng đã có lãi 15-20%, chị cũng quyết định bỏ một ít vào cổ phiếu. Sau nửa năm đầu tư vào chứng khoán, đầu tư có lúc lời lúc lỗ, nhưng tính chung vẫn lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm.
Trong khi đó, chị Tuyết (Thường Tín, Hà Nội) thì cho biết, việc mua bán cổ phiếu quá sức hiểu biết đổi với chị. Chị cũng không có thời gian để quan sát diễn biến giá cổ phiếu tăng hay giảm. "Để tiền gửi vào ngân hàng thì chỉ gọi là bảo vệ tiền ở nơi an toàn chứ lãi không được bao nhiêu, mình không hiểu gì về cổ phiếu nhưng lại được người quen giới thiệu về kênh đầu tư khác là trái phiếu, lãi suất lên tới 9%/năm và có thể bán lại khi cần", chị Tuyết chia sẻ.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, đến ngày 20/9/2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,28%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (7,48%). Và theo số liệu của NHNN, tiền gửi của dân cư và doanh nghiệp tại hệ thống TCTD chỉ tăng 3,59% trong 7 tháng đầu năm, thấp hơn rất nhiều so với mức cùng kỳ những năm trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư gần như đi ngang trong những tháng trở lại đây.
Trước việc tiền gửi mất đi sức hấp dẫn với người dân, nhiều nhà băng đã tung các sản phẩm, chương trình độc đáo để hút khách trở lại.
Techcombank mới đây tung sản phẩm mới là Chứng chỉ tiền gửi Bảo Lộc – Techcombank iCAP. Theo đó, khách hàng chưa có ý tưởng kinh doanh hay đầu tư thì có thể tạm để tiền vào Techcomabnk iCAP để khoản tiền nhàn rỗi này vẫn có thể sinh lời. Lợi nhuận từ việc mua bán thực tế của Techcombank iCAP là 2,5%/năm theo ngày và 3,6%/năm cho thời hạn nắm giữ 3 tháng – cao hơn mức lãi suất tại quầy của nhà băng này. Điểm thu hút của sản phẩm là tính thanh khoản cao. Trong khi với tiết kiệm thông thường nếu rút trước hạn sẽ bị mất lãi thì sản phẩm này khách hàng vẫn nhận được lãi sau khi dừng nắm giữ.
Nhiều nhà băng khác thì đẩy mạnh thu hút tiền gửi thông qua kênh ngân hàng điện tử. Tại NamABank, lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng lên tới 6,8%/năm, kỳ hạn 7 tháng 6,5%/năm và kỳ hạn 6 tháng 6,4%/năm. Tất cả các mức lãi suất này đều cao hơn 0,4-0,6%/năm so với khi gửi tại quầy giao dịch.
VietinBank cũng đang đẩy mạnh tiền gửi qua kênh online. Theo đó, nhà băng này cộng thêm lãi suất tới 0,4%/năm cho khách hàng khi gửi tiết kiệm trên VietinBank iPay.
HDBank thì triển khai chương trình trúng thưởng để hút khách, khi gửi tiết kiệm online khách hàng sẽ được cấp mã số dự thưởng tham gia quay số cuối kỳ để có cơ hội trúng các giải thưởng giá trị lớn. Trong đó, giải đặc biệt là sổ tiết kiệm trị giá lên đến 200 triệu đồng, 2 giải nhất sổ tiết kiệm 50 triệu đồng/giải và 5 giải nhị sổ tiết kiệm 10 triệu đồng/giải.
VietCapitalBank khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online để có thể nhận 2 lần ưu đãi. Lần 2 là được cộng thêm đến 0,5%/năm lãi suất. Lần 2 là có cơ hội trúng thưởng quà tặng sức khỏe thiết thực như máy lọc không khí, bộ thiết bị chăm sóc sức khỏe,…
Trong khi đó, SHB đã phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng cá nhân với tổng mệnh giá đợt phát hành 4.000 tỷ đồng. Khách hàng có thể mua chứng chỉ tiền gửi với số tiền tối thiểu từ 100.000 đồng và hưởng lãi suất năm đầu tiên là 7%/năm đối với kỳ hạn 6 năm và 7,2%/năm kỳ hạn 8 năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi thông thường tại ngân hàng này cao nhất chỉ 6,2%/năm. Đi kèm lãi suất cao, ngân hàng này còn cộng ưu đãi cho khách là voucher sử dụng dịch vụ phòng chờ 5 sao tại sân bay Nội Bài.