Nghèo rớt mồng tơi thành tỷ phú nhờ... chơi với dế

15/02/2016 10:38:20

Tiếng lóng “chơi với dế” hàm ý không chơi được với ai thì chơi với dế - đã là dế thì không ai thèm chơi. Vậy mà, một nông dân nghèo rớt mồng tơi ở Long An, nhờ chơi với dế mà trở thành tỷ phú. Trang trại dế của anh có doanh thu bạc tỷ, giúp nhiều lao động tại địa phương thoát nghèo.

Tiếng lóng “chơi với dế” hàm ý không chơi được với ai thì chơi với dế - đã là dế thì không ai thèm chơi. Vậy mà, một nông dân nghèo rớt mồng tơi ở Long An, nhờ chơi với dế mà trở thành tỷ phú. Trang trại dế của anh có doanh thu bạc tỷ, giúp nhiều lao động tại địa phương thoát nghèo.

Cung cấp cho thị trường mỗi tháng khoảng 6 tấn dế - tương đương 5 triệu con dế thịt, trang trại dế Thanh Dũng của nông dân Trương Thanh Dũng (xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, Long An) được xem là trại dế lớn nhất nhì ở vùng ĐBSCL.

Làm giàu từ con dế, người dân địa phương gọi chết tên anh Dũng là “tỷ phú dế” hay Dũng “dế”. Anh Dũng kể, cơ duyên đến với nghề nuôi dế của anh là từ một lần đọc một bài về nghề nuôi dế trên báo Nông Thôn Ngày Nay cách đây khoảng 10 năm. Lúc đó, anh đang làm đủ thứ nghề để sống, thu nhập rất bấp bênh.

Anh Dũng bên trại dế. H.D

“Hồi đó khu vực này chưa phát triển công nghiệp. Nông nghiệp thì trồng cây gì cũng thất thu vì đất rất xấu. Tôi thấy mô hình nuôi dế của một nông dân ở Củ Chi (TP.HCM) hay quá nên đạp xe cọc cạch qua đó xem thử. Thấy tôi muốn nuôi, người chủ trại dế hướng dẫn kỹ càng, sau đó bán cho tôi một ổ dế mới nở kêu về nuôi thử. Tôi hý ha hý hửng ôm ổ dế về, đóng ngay cái chuồng nhỏ nuôi liền” - anh Dũng kể.

Cắt cỏ sau nhà cho dế ăn, dế lớn nhanh như thổi. Có khi anh cắt cỏ tươi rồi vứt trong thùng, dế ăn 2 -3 ngày mới phải cắt tiếp. Nuôi chừng 2 tháng thì anh Dũng phát hoảng khi thấy dế lớn... chết la liệt. Đang buồn rầu không biết dế bị bệnh gì thì anh thấy vô số dế con chạy loạn xạ trong thùng nuôi. Thì ra, đặc tính của loài dế là sau khi “làm nhiệm vụ truyền giống” thì dế trống lăn ra chết. Còn dế mái, sau khi đẻ hết trứng trong bụng thì cũng chết.

Dế đẻ ngày một nhiều, anh Dũng phải làm thêm chuồng nuôi. Thế nhưng, đầu ra sản phẩm thì tắc tị vì... không ai mua. Anh bắt dế lớn làm thức ăn, lúc thì chiên giòn, khi thì kho tiêu, ăn mãi cũng ngán mà hàng xóm không ai chịu ăn. Đang buồn rầu vì bầy dế càng lúc càng đông, trong lúc ngồi lề đường và xe cho khách, anh nghe người này mách nước: “Ở Hóc Môn và Thủ Đức có nhiều hồ câu cá. Anh thử đem dế ra đó tiếp thị làm “mồi câu” xem sao”. Thế là anh Dũng đóng mấy cái lồng, tức tốc chở dế đi thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ. Quả nhiên, dân đi câu rất khoái mồi dế, đơn giản vì... cá cũng khoái.

Vừa bán dế cho các hồ câu, anh Dũng vừa đến các quán nhậu “ký gửi” đặc sản dế. Để có khách, anh vào một số quán quen, xin chủ quán cho mượn bếp, sau đó đứng bếp làm món “dế chiên nước mắm” đem ra mời khách ăn miễn phí. “Một số dân nhậu miễn cưỡng gắp con dế bỏ vào miệng, mặt nhăn nhó như ăn thuốc độc. Tôi hồi hộp theo dõi cơ mặt của họ. Rồi họ nhai chậm rãi. Vài giây sau, họ bóc thêm một con bỏ vào miệng. Mấy người cùng bàn cũng làm theo. Xong một con dế, họ đưa ly rượu lên uống nghe cái trót. Lúc đó, tôi biết mình đã thành công” - anh Dũng nhớ lại.

Từ các quán nhậu ở thị trấn Hậu Nghĩa (huyện Đứv Hòa), anh Dũng bắt đầu chào hàng ở các địa bàn lân cận. Ban đầu chỉ có hai vợ chồng anh vặt cánh dế, phân loại dế trống - dế mái. Dần dà, trại cứ tăng dần nhân công. Khi thương hiệu dế “Thanh Dũng” đã khá nổi tiếng, một số thương lái ở TP.HCM đến tận nhà anh đặt vấn đề thu mua. Lúc này, anh mua tủ đông để trữ lạnh. Từ một cáo tủ ban đầu, anh phải nâng dần theo tỷ lệ tăng đàn. Đến nay anh Dũng có hơn một chục tủ đông cỡ lớn, bảo đảm trong nhà lúc nào cũng có sẵn vài tấn dế thương phẩm “chỉ cần có lửa là thành thức ăn”.

Trên diện tích khoảng 600m2, anh Dũng đầu tư khoảng 700 triệu đồng làm trại nuôi dế. Thùng nuôi dế quy cách khoảng 1,5m x 2m x 1,2m đóng bằng gỗ, thành thùng là lớp nhựa bóng để dế không trèo ra ngoài. Bên trong thùng, anh Dũng mua các khay chứa trứng gà (vịt) loại bỏ đi xếp chồng lên nhau, tạo thành vô số hang cho dế ở.

“Doanh số là 6 tấn/tháng nhưng con số từ trại của tôi chỉ khoảng 1,5 - 2 tấn/tháng. Phần còn lại là của bà con xung quanh” - anh Dũng nói. Hỏi vì sao không “giấu nghề”, anh Dũng chia sẻ: “Số lượng lớn thì thương lái mới về đây mua. Bà con xung quanh nuôi, tôi thu gom rồi trữ lạnh. Ai cũng có phần lời thì tại sao phải giấu nghề. Ai hỏi nuôi, tôi đều hướng dẫn tận tình, tới tận nhà cầm tay chỉ việc chứ không giấu chi cả”.

Giấc mơ bột dế

Theo anh Dũng, thức ăn cho dế là cám, xác bia, cỏ. Nếu có sẵn đất trồng cỏ thì dế chỉ cần cỏ là đủ. Khi dế mới nở vài tuần thì nhỏ như con ruồi. Chỉ sau 45 - 50 ngày là có thể thu hoạch. Tỷ lệ trống và mái là 50 - 50. Tất cả dế mái đều ôm trứng, trọng lượng trứng nặng hơn phần thịt dế. Dế thương phẩm mỗi ký dế trống khoảng 1.000 con, dế trứng khoảng 700 con. Trại dế của anh Dũng có 7 nhân công, làm việc ổn định, thu nhập khoảng 4 - 6 triệu đồng/tháng tùy năng suất (bóc cánh dế và phân loại dế trứng - dế trống).

Anh Dũng cho biết, giá thành mỗi kg dế chỉ khoảng 30.000 - 50.000 ngàn đồng. Người nuôi dế sau xuất trại bán khoảng 100.000 đồng/kg dế trống, 180.000 đồng/kg dế trứng. Trong khi đó, nhà hàng tính món này khá đắt, dĩa dế một lạng (70 - 100 con) khoảng 100.000 đồng. Tính ra mỗi ký dế ở nhà hàng có thể lên đến cả triệu đồng. Món đơn giản nhất là dế chiên nước mắm. Có thể ăn kèm bánh tráng nước, hoặc bánh tráng rau sống chấm nước mắm chua ngọt. “Nói nghe có vẻ mắc, nhưng kỳ thực không mắc chút nào. Một bàn tiệc, chiên chừng 300g dế là ăn đã ngán vì dế khá béo. Giá nhà hàng là vậy, còn nếu các bà nội trợ mà mua về làm thức ăn thì lại càng rẻ” - anh Dũng phân tích.

Dế sau khi được làm sạch, anh Dũng cho vào túi 100g hút chân không, đóng mỗi hộp 5 túi (0,5kg) và trữ đông. Ngoài thị trường trong nước, một số khách hàng ở Mỹ, Hàn Quốc, Pháp cũng mua mang về nước theo dạng “quà xách tay”. Hiện Thái Lan, Campuchia, Lào hay Myanmar đều đã phát triển rất tốt ngành nuôi côn trùng làm thực phẩm cung ứng cho nhu cầu nội địa lẫn xuất khẩu.

Hiện nay gần 50% lượng dế sản xuất từ trại Thanh Dũng cung cấp làm món khoái khẩu cho thực khách ở các nhà hàng, khách sạn. Tuy nhiên, anh Dũng cho rằng loại thức ăn siêu sạch (côn trùng không bị bệnh tật gì) và rất giàu dinh dưỡng này hiện chỉ xuất hiện trên bàn nhậu, chưa được sự quan tâm đúng mức của người nội trợ.

Anh Dũng nói: “Mặc dù côn trùng đã có mặt trong thực đơn của người dân trên thế giới từ nhiều năm nay, đặc biệt là tại Thái Lan, Ấn Độ, Mexico và nhiều nước châu Âu, nhưng ở Việt Nam, thị trường ẩm thực côn trùng xem ra vẫn còn rất ảm đạm. Trên thực tế, đã có nhiều nhà hàng chế biến các món ăn từ côn trùng, nhưng thực khách vẫn chưa quen hoặc còn e ngại về vẻ ngoài hơi “khó ăn” của nó.

So với nhiều loại thực phẩm khác, dế có giá thành rất rẻ vì chăn nuôi quá dễ dàng. Đưa cả con dế vào miệng nhai thì có vẻ không dễ chịu đối với số đông. Tuy nhiên, đây lại là món ăn rất lành và bổ dưỡng nên tôi đang ấp ủ ý tưởng chế biến loại côn trùng này thành bột dế. Nếu là bột dế, trẻ em suy dinh dưỡng con nhà nghèo sẽ dễ dàng lựa chọn món này vì giá nó quá rẻ. Hay từ dế, chế biến thành lương khô, cung cấp cho quân đội. Xa hơn một chút, với điều kiện khí hậu cực kỳ thích hợp cho việc nuôi dế, biết đâu Việt Nam sẽ thành trung tâm cung cấp dế thực phẩm cho một số nước còn khó khăn về lương thực!”.

Theo Hữu Danh (Dân Việt)

Nổi bật