Ngày mai (14/3) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo Nghị định 80/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83.
Giá xăng dầu trong nước đang chịu tác động của giá xăng dầu thế giới và thị trường Singapore.
Theo dữ liệu từ Oilprice, vào sáng 13/3 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,29 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,45% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,92 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,46% so với phiên liền trước.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết trong tuần qua, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore có xu hướng giảm so với kỳ trước. Mức điều chỉnh rất thấp.
Dựa trên diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp dự báo trong kỳ điều hành ngày 14/3, giá xăng E5 RON 92 trong nước có thể giảm 10 đồng/lít, xăng RON 95 có thể giảm 20 đồng/lít. Trong khi đó, dầu diesel được dự báo tăng 110 đồng/lít.
Trường hợp dự báo giảm là chính xác, mặt hàng xăng trong nước sẽ có phiên giảm giá thứ hai liên tiếp và thứ tư tính từ đầu năm. Trong khi đó, nếu liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính trích quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên, thậm chí tăng.
Tuần trước, tại phiên điều hành ngày 7/3, liên Bộ Tài chính, Bộ Công Thương quyết định giảm 270 đồng/lít đối với xăng E5 RON 92, xuống còn 22.750 đồng/lít; giảm 340 đồng/lít đối với xăng RON 95, xuống còn 23.920 đồng/lít.
Thời gian qua, Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt về việc tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu. Tính đến ngày 6/3, cả nước mới có 8.285 trong tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng, đạt hơn 52% trên tổng số cửa hàng.
Theo Tổng cục Thuế, hiện vẫn còn 30 địa phương có tiến độ triển khai hóa đơn điện tử theo từng lần bán tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu đạt 50%. Cá biệt, còn 17 địa phương đạt tiến độ chậm như Tiền Giang, TP.HCM, Nghệ An, Đồng Tháp...
PN (SHTT)